Trong khi hơn 50% số người có trình độ tiểu học coi việc ly hôn là sai trái thì hầu như không ai tốt nghiệp sau đại học nghĩ như vậy.
Ảnh: Sarcasm.
Đây là kết quả từ nghiên cứu vừa thực hiện năm 2018 của Viện nghiên cứu phát triển Mekong (Hà Nội) với 1.400 người từ 18 tuổi trở lên ở khắp các tỉnh thành trong nước.
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 21% số người được khảo sát cho rằng ly dị là không sai trái trong khi có đến 40% nói ngược lại. Những người càng có trình độ học vấn cao thì càng coi chuyện ly dị là bình thường.
Nhóm phản đối ly hôn nằm ở những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có trình độ văn hóa thấp, và người có thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng).
Hầu như những người có trình độ sau đại học không ai coi chuyện ly hôn là sai trái. Người miền Bắc có quan niệm ly hôn nặng nề hơn so với người miền Trung và miền Nam. Người thành thị cũng nhìn nhận chuyện vợ chồng chia tay nhẹ nhàng hơn so với người nông thôn.
Phát hiện từ nghiên cứu này cũng khá trùng khớp với kết quả nghiên cứu về ly hôn năm 2017 do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện tại Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang với 900 mẫu khảo sát, trong đó có 438 người đã ly hôn. Theo đó, những người có học vấn càng cao có khả năng ly hôn càng lớn.
Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, kết quả này cũng phù hợp với thực tế. Tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp so với thế giới. Các yếu tố liên quan đến văn hóa, kinh tế, trình độ nhận thức ảnh hưởng đến quan điểm, cách nhìn nhận về ly hôn. Thường ở Việt Nam, ly hôn rơi vào hai nhóm: Những người có trình độ học thức cao không nặng nề việc chia tay. Họ thấy không hợp nhau, sống chung không còn hạnh phúc thì ly hôn. Thứ hai là những trường hợp quá sức chịu đựng của người phụ nữ, thường xảy ra ở các cặp có trình độ thấp, người vợ thường bị phụ thuộc vào chồng và bị bạo hành thường xuyên.
Quan niệm về việc ly hôn chỉ là một phần trong nghiên cứu tổng thể đánh giá về cảm nhận và suy nghĩ người Việt năm 2018 của Viện nghiên cứu phát triển Mekong thực hiện. Một kết quả đáng chú ý khác là trên 90% người được phỏng vấn cho rằng mình hạnh phúc, trong đó gần ½ đánh giá là mình rất hạnh phúc. Người có học vấn càng cao thì càng thấy hạnh phúc. Người nghèo thì ít hạnh phúc hơn.
Kết quả này khá giống với kết quả khảo sát của tổ chức World Values Survey năm 2015 cho thấy khoảng 93% người Việt được hỏi cho rằng họ hạnh phúc.
Theo Vương Linh/ Vnexpress