Nguyễn Văn Lê (34 tuổi, họa sĩ tự do tại TP.HCM) đã và đang mở các lớp dạy vẽ miễn phí cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...
Anh Lê tại lớp dạy vẽ miễn phí của mình NỮ VƯƠNG
Như giúp chính mình trong quá khứ
Từ nhỏ đã mê vẽ nhưng gia đình ngăn cấm, không ai ủng hộ. Để theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, năm 19 tuổi Lê vào TP.HCM, lăn lộn làm thuê làm mướn đủ thứ nghề như phụ hồ, bốc vác...
Sau nhiều năm vất vả, anh thi vào ngành thiết kế đồ họa của Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Đến năm 2014, biến cố xảy ra khi anh mắc bệnh nặng mà không có tiền chữa trị. Nhiều lúc anh có ý buông xuôi, nhưng rồi bằng nghị lực cố gắng vượt qua. Nhưng vẫn chưa hết, cách đây 1 năm mẹ anh mắc bệnh tâm thần, đang phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Nguyên nhân là mẹ anh suốt ngày nhà một mình, không biết nói chuyện với ai nên bệnh tình ngày càng nặng.
Chính từ đấy, anh muốn làm một điều gì đó để tạo điều kiện cho những người già có nơi giao lưu, sinh hoạt, và anh nghĩ đến câu lạc bộ dạy vẽ. Lúc đầu nghĩ chỉ thành lập một câu lạc bộ cho những người lớn tuổi, nhưng sau đó anh nhân rộng ra và mở lớp dạy vẽ miễn phí cho các bạn trẻ.
“Ngày xưa mình đã phải lăn lộn rất nhiều mới có được như ngày hôm nay. Theo đuổi đam mê mà không có điều kiện thì vô cùng khó khăn, chính vì thế mình muốn các bạn sinh viên khó khăn có thêm môi trường và cơ hội để phát triển đam mê của mình. Và mình nghĩ trong rất nhiều bạn đến với lớp học của mình chính là bản sao của mình ngày trước. Giúp các bạn như giúp chính mình trong quá khứ”, anh Lê tâm sự.
Bán cà phê để lấy kinh phí trả giáo viên
Hiện anh đã mở được 7 lớp dạy vẽ và trong năm nay dự định mở thêm 20 - 30 cơ sở nữa. Một khó khăn là chưa tìm được giáo viên hướng dẫn đứng lớp, vì bản thân anh không ôm hết nổi.
Để khắc phục, anh đào tạo miễn phí đội ngũ giáo viên đứng lớp. Sau 6 tháng đào tạo, giáo viên có thể sẽ đứng lớp dạy và mỗi ngày tại mỗi địa điểm dạy, anh sẽ bán 20 ly cà phê để lấy kinh phí chi trả cho giáo viên.
“Mỗi ngày mình chỉ bán đúng 20 ly cà phê với giá bình dân. Vì mình đã tính kỹ hết rồi, đúng 20 ly là đủ tiền trả giáo viên đứng lớp ngày hôm đó. Mình làm thế để vừa tạo được thật nhiều lớp học vẽ hoàn toàn miễn phí mà giáo viên đứng lớp cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống và tiếp tục theo đuổi đam mê”, anh Lê chia sẻ.
Đấy là dự định của anh trong tương lai, còn hiện tại anh vẫn bỏ tiền túi ra để lo hết tất cả chi phí, từ trả thù lao giáo viên đến thuê mặt bằng.
Trong 7 cơ sở anh đang mở dạy thì có 6 điểm anh tận dụng nhà mình và mượn của người thân, quen, còn 1 điểm ở Q.Thủ Đức thì anh thuê 7 triệu đồng/tháng.
Không chỉ ở TP.HCM, anh đang muốn dự án có thể mở rộng ra Hà Nội. Chúng tôi thắc mắc: “Làm miễn phí nhưng sao anh lại tâm huyết và quyết tâm làm nhiều đến như vậy?”, anh chia sẻ: “Thực ra điều mình tâm tư nhiều nhất là phát triển phong trào nghệ thuật. Có một thực tế là ở các nước phát triển họ rất coi trọng việc dạy trẻ các bộ môn thể thao, nghệ thuật, vì học nghệ thuật, như vẽ, sẽ giúp phát triển tư duy rất tốt. Còn ở ta thì mọi người thường coi trọng các môn học như toán, lý, hóa... Một phần vì thế mà con người ngày càng khô cứng, vô cảm và khó gần hơn. Các môn nghệ thuật sẽ giúp phát triển tư duy, trí tưởng tượng. Khi con người tưởng tượng tốt hơn thì họ có thiên hướng về cảm xúc nhiều hơn và sống tình cảm hơn”.
Hiện nay, ngoài giờ học, anh còn dẫn các học viên đi vẽ tranh, trang trí tường miễn phí cho các trung tâm bảo trợ trẻ em. Anh muốn các bạn trẻ sẽ không có cảm giác là mình nhận miễn phí mà cũng cho đi, giúp những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Theo Nữ Vương/ Thanh Niên