205
/
173228
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải là "địa chỉ đỏ", không gian văn hóa đặc biệt
bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-phai-la-dia-chi-do-khong-gian-van-hoa-dac-biet
news

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải là "địa chỉ đỏ", không gian văn hóa đặc biệt

Thứ 3, 03/12/2024 | 20:51:56
461 lượt xem

Chiều 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến tham quan và làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tham gia đoàn công tác có: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: Đăng Khoa)

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong những bảo tàng quân sự lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, lưu giữ, phát huy các giá trị lịch sử quân sự của dân tộc. Thành lập năm 1956, Bảo tàng có vị trí ở bên Cột cờ Hà Nội, là địa chỉ quen thuộc đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô.

Từ năm 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã triển khai xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới tại Km6+500 Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 386.600m2, có quy mô 4 tầng nổi, 1 tầng hầm, thiết kế hiện đại và đa dạng công năng. Điểm nhấn công trình là Tháp Chiến thắng, cao 45 mét, có hình các ngôi sao 5 cánh xếp chồng lên nhau với ý nghĩa nước Việt Nam giành độc lập năm 1945. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia cùng nhiều hiện vật quý giá.

Tại các thành phần trưng bày, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp hiện đại để khách tham quan có thể tương tác, hiểu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc như: công nghệ sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, tài liệu media, thuyết minh tự động, mã QR để tra cứu thông tin hiện vật và hình ảnh. Hơn 60 video clip giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử cũng được tích hợp, tạo nên một không gian sống động và đầy cảm xúc.

Bảo tàng đã cơ bản hoàn thành xong giai đoạn 1 và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024. Đến ngày 30/11, Bảo tàng đã đón 36,4 vạn lượt khách tham quan, trong đó có 224 đoàn khách quốc tế và trong nước. Công tác tổ chức đón, phục vụ các đoàn khách tham quan trách nhiệm, chu đáo.

Trong giai đoạn 2, công trình tiếp tục triển khai trưng bày 8 chuyên đề, 7 sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự; phục dựng công trình quân sự tiêu biểu; tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không gian trải nghiệm ngoài trời; không gian sáng tạo; du lịch sinh thái; khu vui chơi trẻ em và khu dịch vụ cho khách tham quan. Khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và Quốc gia; phản ánh toàn diện, sâu sắc lịch sử quân sự Việt Nam qua các thời đại, góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình đặc biệt quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Quốc gia. Tổng Bí thư biểu dương Bộ Quốc phòng và các đơn vị đã chỉ đạo xây dựng công trình bảo đảm tiến độ và chất lượng; bày tỏ vui mừng khi được thấy rất đông người dân đến tham quan bảo tàng trong không khí rất phấn khởi, háo hức.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, công trình được đưa vào hoạt động, đón khách tham quan đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân rất có ý nghĩa về giáo dục lịch sử, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế. Kịch bản trưng bày công phu, hiện đại, nội dung phong phú, sinh động đem lại hiệu quả lớn trong công tác tuyên truyền. Cán bộ, đảng viên, nhân dân, bạn bè quốc tế có điều kiện tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn về đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc.

Tổng Bí thư đề nghị cần khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 để đưa toàn bộ công trình vào hoạt động, phát huy cao nhất vai trò, giá trị của Bảo tàng; trở thành điểm đến tự hào của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư lưu ý, lịch sử quân sự Việt Nam xuất hiện từ buổi đầu dựng nước, gắn liền với các cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì vậy trong các chủ đề trưng bày, cần bổ sung nội dung về vai trò của nhân dân, sự gắn bó giữa quân và dân, thể hiện sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, làm nên những thành quả cách mạng to lớn.

Nội dung trưng bày của bảo tàng cũng cần thể hiện rõ hơn nữa những hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quân sự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước, gìn giữ hòa bình, ổn định chính trị ở khu vực và quốc tế. Tiếp tục sưu tầm hiện vật lịch sử, nghiên cứu thêm chủ đề, bổ sung công cụ trình bày trực quan, sinh động nhằm thể hiện sâu sắc những chiến công oanh liệt của quân và dân, những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, tạo sức hấp dẫn hơn nữa, thu hút đông đảo khách tham quan đến với bảo tàng.

Ghi sổ lưu niệm sau khi thăm các gian trưng bày tại Bảo tàng, Tổng Bí thư bày tỏ xúc động khi được sống lại với khung cảnh rừng Trần Hưng Đạo năm xưa; gặp những đoàn dân công thồ gạo trên khắp nẻo đường Tây Bắc, những tấm áo trấn thủ của người lính Điện Biên, những Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam; những khẩu đại bác cheo leo sườn núi cùng toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thấy trùng trùng điệp điệp những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thấy non sông Việt Nam liền một dải; thấy sự trưởng thành, lớn mạnh, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam; sự tin tưởng, tự hào của Đảng, Chính phủ và Nhân dân đối với "Bộ đội cụ Hồ" và thấy "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" trên mọi nẻo đường đất nước.

Tổng Bí thư tin tưởng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mãi là "địa chỉ đỏ", là không gian văn hóa đặc biệt để nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè khắp năm châu đến thăm quan, tìm hiểu, học tập về truyền thống của đội quân "Bách chiến, bách thắng" của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Theo Hạnh Nguyên/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-phai-la-dia-chi-do-khong-gian-van-hoa-dac-biet-post848331.html

  • Từ khóa

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đất nước đang đứng trước giai đoạn rất quan trọng

Tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đất nước ta đang đứng trước giai đoạn lịch sử rất quan trọng
14:14 - 04/12/2024
29 lượt xem

Sắp xếp tinh gọn bộ máy khó mấy cũng phải làm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm
14:11 - 04/12/2024
29 lượt xem

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga Fukushiro

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 4/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga...
14:42 - 04/12/2024
13 lượt xem

Từ 2025, bắt buộc đăng ký thường trú cho trẻ sau tối đa 60 ngày khai sinh

Kể từ ngày 10.1.2025, trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh, cha mẹ phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho con.
11:17 - 04/12/2024
103 lượt xem

Cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam

Sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn...
10:47 - 04/12/2024
115 lượt xem