Sau thời gian trăn trở suy nghĩ về những bữa ăn sạch, Đinh Thị Thu Hằng quyết tâm bỏ việc đã làm 10 năm với thu nhập là mơ ước của nhiều người, để đi trồng rau theo mô hình 'Từ trang trại tới thẳng bếp ăn'.
Chị Hằng tại Măng Đen, Kon Tum ẢNH: H.N
Năm 2016, chị Đinh Thị Thu Hằng (35 tuổi, từng tốt nghiệp ngành môi trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) bắt đầu làm vườn rau ở H.Củ Chi, TP.HCM. Trên 3.000 m2 đất ở đây, ngoài trồng các loại rau phù hợp khí hậu nhiệt đới theo phương pháp hữu cơ như rau cải, dền, muống, mùng tơi, cà chua, mướp, bầu, bí… chị còn cho thuê các lô đất, mỗi lô khoảng 20 m2 để khách hàng tự trồng, tự chăm sóc, thu hoạch mỗi ngày. Nếu người thuê quá bận bịu sẽ có nhân viên làm vườn chăm rau giúp. “Nếu mỗi người 20 m2, họ có thể chỉ trồng được một số ít rau, ăn hoài cũng chán. Do đó, chúng tôi cho khách hàng hái các loại rau ở những luống khác để bữa ăn phong phú”, chị Hằng nói.
Từ khu vườn ở Củ Chi, đến nay chị Hằng phát triển thêm trang trại của mình tới H.Măng Đen (Kon Tum) với diện tích khoảng 3 ha chuyên trồng các loại rau ôn đới như: xà lách, bông cải, dưa leo… Chị không sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu hóa học trong quá trình chăm sóc nông sản. Cả khu vườn tại Củ Chi và Măng Đen đều mở cửa đón khách tham quan bất cứ ngày nào trong tuần để các gia đình có con nhỏ được tìm hiểu quy trình làm nông nghiệp sạch. Chị Hằng cho biết hiện cả hai vườn của chị mỗi tuần cung cấp hơn 300 kg rau các loại ra thị trường.
Không mang tới chợ để bán cũng như cung cấp cho thương lái, rau của chị Hằng phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình từ trang trại tới thẳng bếp ăn. Đầu tháng 5.2018, cửa hàng rau đầu tiên của chị khai trương tại TP.HCM (trước đó khách hàng đặt rau qua điện thoại, Facebook).
Ngoài bán cho khách, một phần rau được đưa tới một nhà hàng nho nhỏ tại khu đô thị Vinhomes (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) do chị Hằng đầu tư. “Lý do tôi kinh doanh quán ăn này là mong các con tôi có địa điểm để ăn cơm ngon, sạch mỗi ngày”, bà chủ nông trại chia sẻ.
Là kỹ sư môi trường chuyển hướng làm nông nghiệp, chị Hằng rất quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững; bao bì gói rau củ cũng được sử dụng bằng vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường.
Nông nghiệp sạch luôn đi đôi với rủi ro lớn vì giá thành cao, chưa được nhiều người chấp nhận. Ngoài ra, chị cho biết rất lo ngại khi nhiều sản phẩm rau bẩn nhưng gắn mác sạch, bán giá rẻ tràn lan, đánh lừa người tiêu dùng, khiến rau sạch lâm nguy.
Chị Hằng trăn trở: “Là người làm việc trong lĩnh vực môi trường 10 năm, tôi hiểu rằng môi trường đang bị tàn phá bởi con người như thế nào. Tôi cũng hiểu rằng nhiều nguồn thực phẩm dùng hóa chất đã và đang đầu độc người Việt mình, đặc biệt là trẻ em. Đó là lý do tôi chuyển sang làm nông nghiệp sạch, hy vọng cách làm của mình sẽ mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho chính người thân của mình và những người xung quanh, đồng thời truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác cũng đang ấp ủ làm điều gì đó tốt cho môi trường, tốt cho tự nhiên”.
Theo Thúy Hằng/ Thanh Niên