Nắm bắt tâm lý của nhiều bạn trẻ lo sợ bài thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bị điểm liệt, những video dạy chống điểm liệt môn lịch sử xuất dày đặc trên TikTok. Theo chuyên gia lịch sử, những video này chưa có sự kiểm duyệt, không có kiến thức vững chắc, nếu tin theo sẽ gây hậu quả khôn lường.
Gõ dòng chữ “Cách chống liệt môn lịch sử” trên thanh tìm kiếm của mạng xã hội TikTok, hàng loạt video xuất hiện với nội dung hướng dẫn làm bài thi chống điểm liệt hiệu quả, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ. Nhiều tài khoản khẳng định nếu khoanh theo cách này, tỷ lệ trúng lên đến 80%. Các video này không tập trung vào kiến thức sâu mà chỉ đưa ra cách giải đề thi ngắn gọn, mẹo “nhìn đề bài ra đáp án”. Thậm chí ở nhiều video, TikToker chỉ cách không cần đọc đề, chỉ xem các phương án cũng tìm ra được đáp án.
Các tài khoản này chỉ ra một số mẹo khi làm bài thi môn lịch sử, bằng cách khoanh vào các từ khóa. Người này đưa ví dụ: trong đề thi, phần lịch sử thế giới ưu tiên lựa chọn đáp án có từ khóa: Mỹ là cường quốc số 1 về kinh tế, chính trị; Liên Xô là công nghiệp vũ trụ, hạt nhân; Ấn Độ là cách mạng xanh; Nhật Bản là phát triển kinh tế thần kỳ. Ngoài ra, nếu đáp án đọc lên thấy thuận miệng hoặc đáp án ngắn gọn, thí sinh nên khoanh vào...
Những video dạy chống điểm liệt môn lịch sử tràn ngập trên TikTok CHỤP MÀN HÌNH
Bàn về những video bí kíp chống điểm liệt trên TikTok, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong luyện thi tốt nghiệp THPT tại các trường THPT, trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội, cho rằng các nội dung hướng dẫn chống điểm liệt trên TikTok mang tính chủ quan, không có cơ sở chính xác, chứa nhiều rủi ro.
“Các em phải nhận thức rằng không bao giờ có cách học chống liệt. Học sinh cần loại bỏ suy nghĩ chỉ dựa vào mẹo là có thể chống điểm liệt. Các em cần cố gắng ôn tập kiến thức cơ bản, luyện đề thi ở mức nhận biết, thông hiểu để làm bài thi vượt qua mức điểm liệt. Bài thi đạt điểm tốt sự chuẩn bị kỹ năng, kiến thức trọng tâm ngay từ đầu chứ không phải nhờ sự may rủi”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, việc các TikToker hướng dẫn các thủ thuật khiến học sinh có không phát huy tính tự học, mất tập trung ôn luyện. Ở giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh cần tập trung ôn luyện giải đề, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, giữ tâm lý ổn định, không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì. Thí sinh chỉ nên dùng mẹo kết hợp với kiến thức để giúp loại đi phương án không chắc chắn khi làm những câu ở mức vận dụng cao. Dựa hoàn toàn và sử dụng nó như một hành trang để đi thi là không nên.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hưởng, đề thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử có 40 câu, chia làm 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Khoảng 22 câu đầu trong đề thi là nhận biết đơn giản, học sinh chỉ cần dành chút thời gian học tập là hoàn toàn làm được, không cần thiết dựa vào mẹo này, mẹo kia trên mạng xã hội. Từ câu số 23 trở đi là những câu hỏi khó hơn một chút, các em có thể kiếm thêm điểm, chỉ với những câu hỏi từ câu 31 trở đi là câu hỏi khó.
“Đề thi lịch sử bao quát kiến thức dàn trải khắp các giai đoạn lịch sử, vì thế, học sinh cần học đều tất cả giai đoạn. Hãy dựa vào sức mình học tập, học chăm chỉ, chịu khó là hoàn toàn có được điểm tốt”, ông Hưởng nói.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/coi-chung-bi-liet-voi-cac-video-day-chong-diem-liet-mon-lich-su-truoc-thi-thpt-185230620130108037.htm