Một nhóm sinh viên trao tặng cho học trò miền núi những cặp lồng mang cơm có khả năng giữ ấm, thay thế hộp nhựa cũ để các em có động lực mang cơm và tiếp tục đến trường.
Nhóm sinh viên khoa truyền thông thuộc Học viện Ngoại giao (Hà Nội) lên ý tưởng cho dự án mang tên “Cặp lồng cho em” từ tháng 2. Đến tháng 6, khoảng 500 cặp lồng được trao tận tay học trò nghèo ở tỉnh Kon Tum. Dự kiến khi các em bắt đầu năm học mới vào tháng 9, nhóm sinh viên sẽ trao đi 1.000 chiếc cặp lồng mang cơm khác.
Cặp lồng giữ ấm những bữa cơm miền núi
Trong những ngày đầu triển khai, nhóm chưa xác định sẽ trao tặng vật phẩm gì cho học trò nghèo. Nhiều lần khảo sát, liên hệ điểm trường ở tỉnh Kon Tum, nhóm sinh viên nhận ra trẻ em ở đây cơm chưa đủ ăn thì khó nghĩ chuyện học hành ổn định.
“Các em sẽ theo mô hình 'bán trú dân nuôi', nghĩa là trường cho các em ở lại nhưng cơm phải tự chuẩn bị và mang theo. Gia đình sẽ chuẩn bị cơm nhưng họ không có điều kiện mua cặp lồng hay vật phẩm đựng cơm để giữ nhiệt đến trưa hay chiều. Nhóm liền nảy ra ý tưởng góp cặp lồng để giữ ấm cơm cho các em”, nữ sinh viên Nguyễn Hưng Hòa, quản lý dự án "Cặp lồng cho em", chia sẻ.
Nói về lý do chọn tỉnh Kon Tum để hỗ trợ, Hòa cho rằng đa phần mọi người nhắc đến việc làm thiện nguyện sẽ hướng đến khu vực phía Bắc. Trong khi đó, mỗi tỉnh thành đều có vùng khó khăn nên nhóm quyết định “đi xuống” tỉnh thành miền Trung, hướng đến các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum…
Bên cạnh đó, nhóm quyết tâm thực hiện dự án khi biết câu chuyện về gia đình tại huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) có 4 người con, anh cả học xong thì trao cho những đứa em chiếc cặp lồng cũ để dùng vì không có điều kiện thay mới, luân phiên suốt 15 năm qua.
Dự án đi từ “thai nghén”, tự truyền thông nên thời gian đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn để lan tỏa thông điệp. Ngoài truyền thông trên website, lập trang dự án trên mạng xã hội, nhóm còn nhờ đại sứ truyền thông là giảng viên của Học viện Ngoại giao chia sẻ bài viết để tăng sự kết nối với cộng đồng.
Trong chuyến trao 500 cặp lồng đầu tiên vào tháng 6, nhóm của Hòa dù không tận tay gửi tặng học trò nghèo nhưng vẫn sống trọn vẹn cảm xúc hạnh phúc. Một người thầy thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum hỗ trợ nhóm liên tục từ cập nhật thông tin, hình ảnh để sinh viên ở Hà Nội có thể theo từng giây phút khi cặp lồng được trao tận tay các học trò nghèo.
“Các em quá nhỏ nên có thể không biết cặp lồng mới sẽ giữ ấm cơm cho những buổi đến trường nhưng vẫn hạnh phúc, rạng rỡ khi cầm trên tay vì màu sắc đa dạng, khác với hộp cơm nhựa cũ trước kia. Nhóm chỉ mong cặp lồng sẽ là một phần động lực để em tiếp tục mang cơm và đến trường”, Hòa tâm sự.
Nặng lòng với dự án mới “Cho em”
"Cặp lồng cho em" là dự án đầu tiên, mở đường cho các dự án vì cộng đồng khác của nhóm. Hiện tại, nhóm đã tiếp cận được 4 xã giáp biên giới Lào và Campuchia thuộc huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum). Được biết, nhân sự của dự án gồm 9 người, trẻ nhất là sinh viên năm nhất và lớn nhất chỉ mới 22 tuổi.
Điều khiến nhóm của Hòa tiếc nuối là không thể đến trực tiếp địa điểm khảo sát tình hình, ghi nhận câu chuyện thực tế từ học trò nhỏ, phụ huynh, giáo viên… để tạo ra những ấn phẩm truyền thông cảm động từ chính thước phim, hình ảnh mà nhóm quay được.
“Chúng tôi không có nhiều điều kiện để di chuyển. Thời điểm đó, tôi và vài người trong nhóm chuẩn bị tốt nghiệp nên trao đổi với điểm trường từ xa là chủ yếu. Mọi công tác khảo sát, liên lạc đều thông qua người thầy thuộc Sở GD-ĐT cũng nặng lòng với học trò nghèo”, Hòa kể. Nữ sinh viên vừa mới tốt nghiệp cuối tuần rồi cho biết thêm, dự án "Cặp lồng cho em" sẽ kết thúc vào đợt trao đầu năm học mới này (khoảng cuối tháng 10).
Tuy nhiên, dự án khác như “Nước sạch cho em” sẽ được triển khai ngay lập tức vì nhu cầu tại điểm trường miền núi rất lớn. “Nhóm đã có doanh nghiệp đồng ý hỗ trợ chi phí mua sắm máy móc và lắp đặt. Trước mắt, nhóm khảo sát điểm trường ở tỉnh Quảng Trị để tiến hành đầu tiên”, Hòa cho biết.
Trong tương lai, nhóm sinh viên lên kế hoạch phát triển "Cặp lồng cho em" hay "Nước sạch cho em" thành dự án lớn mang tên "Cho em". Ở dự án lớn này, nhóm sẽ liên tục khảo sát nhu cầu của điểm trường và học trò nghèo để kịp thời hỗ trợ. Đây cũng là cách để kết nối sinh viên tham gia và cống hiến cho hoạt động cộng đồng.
“Cặp lồng để mang cơm, lắp đặt nước sạch cho học trò nghèo miền núi đều bắt nguồn từ sáng kiến mang tên “Diplomant” do nhóm quản lý. Trong đó, từ “ant” nghĩa là con kiến. Chúng mình như con kiến vậy, nhỏ bé và luôn muốn gánh vác nhiều thứ trên vai mặc dù khó thực hiện một mình, nhưng nếu nhiều người cùng chung tay sẽ dễ dàng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”, Hòa bày tỏ.
Theo Thanh Dung/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bat-ngo-voi-mon-qua-cap-long-mang-com-cho-hoc-tro-mien-nui-post1479526.html