Với niềm đam mê dành cho các sản phẩm làm đẹp, 3 bạn trẻ Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Bảo Tín và Phạm Minh Dũng đã chọn nghiên cứu và sản xuất mỹ phẩm "thuần chay" với nguyên liệu lấy từ các vùng đất trên khắp Việt Nam như nghệ, hoa hồng, cà phê...
Bảo Tín, Ngọc Bảo, Minh Dũng (thứ 2, 3, 4 từ phải sang) tại lễ ký kết triển khai hoạt động “Thu hồi pin cũ bảo vệ Trái đất xanh” phối hợp với Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM - Ảnh: NVCC
Lối đi này không chỉ dừng lại ở làm ra sản phẩm, mà còn là tạo dựng nên những giá trị sống xanh cho cộng đồng.
Mỹ phẩm không nhựa, không thử nghiệm trên động vật
"Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của tất cả chúng ta, nhưng liệu những loại mỹ phẩm mà ta đang dùng có đang tàn phá thiên nhiên?" là câu hỏi được Dũng, Bảo và Tín đặt ra khi bắt tay xây dựng thương hiệu mỹ phẩm Cocoon.
"Có thể bạn cảm thấy rất hài lòng với những hạt "scrub" li ti giúp dễ dàng cuốn trôi mọi lớp da chết trên cơ thể, nhưng chúng là những hạt vi nhựa sẽ cần đến hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn để có thể phân hủy hoàn toàn khi bị thải ra môi trường", Dũng nêu ví dụ.
Từ trăn trở ấy, nhóm 3 bạn trẻ quyết tâm viết nên một câu chuyện làm đẹp bền vững hơn, cân bằng giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.
Tháng 8-2020, Cocoon nhận được chứng nhận "Animal test-free & Vegan" (không thử nghiệm trên động vật và thuần chay) từ tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật toàn cầu PETA.
Ba tháng sau, nhóm tiếp tục nhận tin vui khi được thông qua trong chương trình không thử nghiệm trên động vật Leaping Bunny của Tổ chức Cruetly Free International.
Tháng 12-2020, thương hiệu do Bảo, Tín và Dũng sáng lập nhận được chứng nhận "Vegan" (thuần chay) từ The Vegan Society - tổ chức từ thiện giáo dục lâu đời nhất thế giới.
Thay vì thử nghiệm trên động vật, nhóm sáng lập sử dụng phân tích dữ liệu sẵn có từ các nhà cung cấp nguyên liệu để chứng minh độ an toàn của các thành phần (MSDS - Material Safety Data Sheet).
Trong đó, họ yêu cầu một số nhà cung cấp đưa ra phương pháp thử nghiệm thay thế như kiểm tra độ phản ứng của hoạt chất trên mô nhân tạo mô phỏng theo cấu trúc da người nhưng không gây hại cho người hoặc động vật.
Từ cơ sở này, nhóm phát triển các công thức mới, sau đó sử dụng các phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm về cảm quan, độ pH, tính ổn định... như xoay ly tâm, kiểm tra độ bền nhiệt của sản phẩm trong tủ lão hóa.
"Cuối cùng, các sản phẩm sẽ được kiểm tra độ kích ứng bằng hình thức đặt nhiều miếng dán chứa lượng nhỏ sản phẩm lên da của 50 tình nguyện viên tại Trung tâm kiểm nghiệm DRC - Dermis Research Centre (Nhật Bản) dưới sự giám sát của các chuyên gia da liễu", Bảo Tín chia sẻ cách thực hiện của nhóm.
Lan tỏa lối sống xanh
Với mong muốn khai thác nguồn nguyên liệu đặc hữu, sẵn có và hoàn toàn có thể canh tác dựa trên điều kiện đất đai, khí hậu, kinh nghiệm của những người nông dân tại mỗi vùng đất, nhóm bạn trẻ chú trọng theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người nông dân, môi trường và người tiêu dùng.
Vì thế, trong tất cả các dòng sản phẩm gồm chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể và chăm sóc môi, nhóm nghiên cứu ưu tiên các hạt tự nhiên và thành phần có khả năng hòa tan để bảo vệ nguồn đất, nguồn nước sau khi bị thải ra môi trường. Đến hộp đựng sản phẩm cũng sử dụng hộp giấy không có màng co, hạn chế tối đa sử dụng nilông khi đóng gói sản phẩm. Đồng thời hướng đến sản xuất các sản phẩm dung tích lớn để khách hàng tách, chiết sử dụng nhằm giảm nhựa thải ra môi trường.
Từ triết lý thuần chay và bền vững, nhóm bạn Bảo, Tín và Dũng còn "tranh thủ" lôi kéo nhiều người quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường và động vật.
Ví dụ, tháng 4-2021, họ phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện hội thảo khoa học "Bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái" gồm nhiều đề tài nghiên cứu, báo cáo tham luận của các thầy cô và sinh viên của nhiều trường ĐH, THPT trên địa bàn TP.HCM.
Tháng 12-2021, nhóm sáng lập cũng đồng hành cùng Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á - (Animal Asia Foundation - AAF) trong chiến dịch bảo vệ loài gấu.
Với mỗi sản phẩm bán ra, họ trích một phần lợi nhuận đóng góp cho quỹ của AAF tại Việt Nam, phục vụ cho công tác giải cứu gấu đang bị nuôi nhốt, duy trì hoạt động của trung tâm bảo tồn loài gấu, cải tạo môi trường sống của gấu, duy trì bữa ăn giàu dinh dưỡng cho gấu và chăm sóc y tế, chữa bệnh cho những chú gấu bị suy nhược do bị lấy mật.
Hiện nay, khách hàng được khuyến khích đổi vỏ chai, lọ cũ để nhận sản phẩm mới như son dưỡng, gel hoặc sữa rửa mặt. Các chai, lọ này được nhóm sử dụng để trồng cây, sau đó gửi đến khách hàng làm quà tặng hoặc chuyển giao cho các đơn vị có chuyên môn xử lý và tái chế.
Ngoài ra, nhóm sáng lập cũng tiếp tục đồng hành cùng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện chương trình "Thu hồi pin cũ bảo vệ Trái đất xanh" tại 85 điểm đổi pin trong thành phố bao gồm tại các quận đoàn, trường ĐH và hệ thống phân phối mỹ phẩm.
Từ những nỗ lực không ngừng này, tháng 11-2021 Cocoon nhận được giải thưởng trong hạng mục "Thương hiệu truyền cảm hứng" tại Asia Pacific Enterprise Awards (APEA 2021). Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên trên 14 quốc gia và thị trường trong khu vực châu Á, vinh danh những doanh nghiệp và nhà lãnh đạo có thành tích nổi bật với những phẩm chất và thành quả vượt trội, xây dựng những doanh nghiệp thành công song song với việc tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Bảo tồn văn hóa Việt Nam từ sản phẩm nhỏ Với niềm tin rằng mỗi nguyên liệu đều chứa đựng một câu chuyện đặc trưng về vùng đất và con người Việt Nam, nhóm sáng lập nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm hơn với nhiều nguyên liệu đa dạng hơn như cà phê (Đắk Lắk), hoa hồng hữu cơ (Cao Bằng), nghệ (Hưng Yên), đường thốt nốt (An Giang), dầu dừa (Bến Tre)... Trong quá trình quảng bá mỗi sản phẩm, họ đều đính kèm câu chuyện về nguyên liệu được sử dụng. Các biểu tượng sử dụng trên bao bì sản phẩm được thiết kế dựa trên văn hóa tranh khắc gỗ Việt Nam nhằm thể hiện sự mộc mạc, truyền tải tinh thần đơn giản, gần gũi mà Minh Dũng, Ngọc Bảo và Bảo Tín mong thương hiệu của mình hướng đến. |
Theo Bình Minh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/my-pham-thuan-chay-co-dong-song-xanh-20220512215727464.htm