Từ vỏ chai nhựa tưởng chừng vô giá trị, chị Xuân Hoa (52 tuổi, TP. Hải Phòng) đã chế tác trở thành những tác phẩm vừa nghệ thuật vừa có thể sử dụng trong nhà.
Những năm gần đây, trào lưu "sống xanh, giảm nhựa" ngày càng được phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến và ủng hộ với mục đích giảm rác thải ra môi trường, bảo vệ trái đất, đem lại không gian sống trong lành, tươi sạch hơn.
Chị Xuân Hoa "mẹ đẻ" những sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa (Ảnh: Xuân Hoa).
Trong căn phòng nhỏ, chị Hoa đang tỉ mỉ cắt, dán từng vỏ chai, lọ nhựa để tạo thành những món đồ hữu dụng và mang dáng vẻ xinh đẹp không kém đồ mới. Đôi tay thuần thục, chị Hoa nói chị bắt đầu làm đồ tái chế cách đây bốn năm trong một lần chị tự mày mò làm hộp bút bằng nhựa cho con tặng bạn nhân dịp sinh nhật.
Sau khi sản phẩm hoàn thiện, chị khoe cho bạn bè xem và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng tái chế đồ nhựa thành những vật dụng có ích trong gia đình nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Đèn phòng ngủ được làm từ lọ nhựa là một trong những sản phẩm khách hàng trẻ ưa chuộng (Ảnh: Xuân Hoa).
Chia sẻ về khoảng thời gian "bén duyên" nghề, chị Hoa tâm tình: "Hàng ngày, chứng kiến lượng rác thải nhựa đổ môi trường không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Bởi thế, tôi luôn ấp ủ ý tưởng tái chế lại những đồ nhựa nhằm lan tỏa tinh thần sống xanh đến nhiều người hơn".
Ban đầu chị Hoa làm đồ handmade từ chai thủy tinh, sau đó, chị phát hiện chai nhựa có hình dáng phong phú lại cắt, uốn theo ý tưởng của mình. Hơn nữa, chai nhựa là vật liệu khó phân hủy, nên chị lựa chọn chai nhựa để chế tác.
Hoa cúc ping pong tái chế từ túi nilon, hộp đựng bút làm từ vỏ chai nước muối sinh lý và que kem (Ảnh: Xuân Hoa).
"Bản thân rất thích và có duyên với đồ tái chế. Thế nên, tôi thường sử dụng những vật dụng cũ, hỏng, người ta vứt đi không sử dụng đến để làm nguyên liệu cho công việc tái chế của mình.
Đối với các sản phẩm từ nhựa, mọi người có thể tái chế tương tự như thủy tinh nhưng dễ làm hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, để cho sản phẩm sinh động có thể dùng màu acrylic trang trí", chị Hoa cho biết.
Những vật dụng mà người phụ nữ này làm đa dạng từ mẫu mã đến kiểu dáng. Bằng sự khéo léo của mình, những chiếc đèn ngủ, đèn chùm, hay hộp bút... của chị Hoa khiến nhiều người yêu thích, bởi sự tinh tế và sáng tạo của chị.
Đèn ngủ được "phù phép" từ vỏ chai nhựa (Ảnh: Xuân Hoa).
Để có nguồn nguyên liệu, chị Hoa thường đến hàng xóm, bạn bè xin chai, lọ nhựa bỏ đi. Chị còn hướng dẫn nhiều người thử sức và tài khéo tay để làm ra những vật dụng hữu ích từ thứ bỏ đi.
Chị nói: "Hiện tại, môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải thủy tinh, nhựa... khó phân hủy được thải ra môi trường với số lượng lớn và tràn lan. Trong khi những vật liệu này vẫn có thể tái chế để kéo dài vòng đời sử dụng. Chỉ cần sáng tạo một chút, tỉ mỉ một chút, hay vẽ thêm vài chi tiết lên vỏ trai sẽ có thể cho "ra đời" một sản phẩm mới đẹp mắt", chị Hoa phấn khởi nói.
Công việc cho chị thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: Xuân Hoa).
Bằng những hành động rất nhỏ chị Hoa bắt đầu lan tỏa niềm yêu thích với đồ tái chế đến những người xung quanh. Chị Hoa cho rằng, rác là một loại tài nguyên rất quý. Dù là thứ bỏ đi nhưng khi biết tận dụng lợi thế, thay đổi diện mạo thì chúng sẽ trở nên đặc biệt. Con người hay đồ vật cũng vậy chỉ cần được đặt đúng vị trí sẽ tỏa sáng đúng thời điểm.
Theo chị Hoa, sản phẩm tái chế từ rác không có công thức chung, bởi nó còn tùy thuộc vào từng mẫu muốn thực hiện. Có những mẫu thì đơn giản nhưng cũng sẽ có những mẫu phức tạp. Công đoạn nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào mức độ sáng tạo của người thực hiện.
Đèn trang trí được làm từ chai nước khoáng (Ảnh: Xuân Hoa).
Muốn tạo ra những sản phẩm sáng tạo từ vật dụng bỏ đi, thổi hồn bằng màu sắc, nghệ thuật vào sản phẩm. Tôi hy vọng những sản phẩm này sẽ tới tay nhiều người, để mọi người có hứng thú, yêu thích những đồ vật tái chế", chị Hoa bày tỏ.
Từ lúc "phải lòng" những đồ vật vô tri, vô giác, người phụ nữ này đã "hô biến" chúng thành những vật dụng hữu ích, nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới cộng đồng đặc biệt là các bạn trẻ.
Chị Hoa cho hay, điều khó nhất khi tái sử dụng những vật liệu nhựa xuất phát từ đặc tính của vật liệu đặc biệt này. Chai nhựa thường sẽ có độ nhẹ, mềm nên dễ móp méo, gặp nhiệt độ nóng như keo nến thì rất dễ co lại. Vì vậy, quá trình làm chị luôn cẩn thận để không mất thời gian và tránh hư hỏng.
Chị Hoa mong muốn những sản phẩm của mình sẽ lan tỏa tinh thần sống xanh - giảm nhựa đến nhiều người (Ảnh: Xuân Hoa).
Với chị Hoa, công việc này chưa mang lại nguồn thu nhập nhiều nhưng với niềm đam mê chị vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ từ mọi người.
Với tình yêu môi trường và nỗi trăn trở làm sao để bảo vệ môi trường, chị Hoa mong muốn hành động của mình sẽ được đón nhận và truyền năng lượng tích cực làm môi trường sống tốt lên mỗi ngày.
Hiện, chị Hoa sử dụng thêm kênh Youtube để chia sẻ cách tái chế vật liệu nhựa tới mọi người. Đồng thời chị còn mở lớp hướng dẫn trực tiếp cho các bạn trẻ, nhân cơ hội này chị Hoa muốn tiếp cận và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường rộng hơn tới cộng đồng.
Theo Hoài Trang/Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/nguoi-phu-nu-phu-phep-cho-rac-thai-nhua-thanh-nhung-tac-pham-dep-mat-20211105153447453.htm