BGTV- Nghị định 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với chế tài xử phạt nghiêm khắc với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nắm bắt tình hình, trên thị trường hiện rao bán một số loại kẹo, nước uống có tác dụng giúp người uống lâu say và giải rượu nhanh, tuy nhiên tác dụng của các sản phẩm này có đúng như quảng cáo?!
Hàng hot những ngày qua
Lo sợ nếu quá chén có thể bị xử phạt lên tới vài chục triệu đồng, giữ bằng lái tới gần 2 năm, không ít “dân nhậu” đã tăng cường tìm giải pháp để đối phó, và tìm đến các sản phẩm giải rượu để “cứu nguy”.
Kẹo "giải rượu" - cứu cánh khi quá chén được nhiều "dân nhậu" truyền tai nhau những ngày qua
Theo quảng cáo của một số người bán, chỉ cần ăn 3 viên kẹo “chống say” trước khi uống rượu 15 phút, tửu lượng sẽ tăng cao, không lo say xỉn, không lo đau đầu, không sợ đau gan, nhai kẹo sau khi uống giúp tỉnh táo hơn và giải rượu nhanh chóng… Các loại kẹo giải rượu xuất xứ Hàn Quốc này được rao bán phổ biến trên mạng xã hội và nhiều cửa hàng với giá 50.000 – 55.000 đồng/túi 3 viên vị xoài, chuối… một hộp gồm 10 gói có giá 450.000 – 500.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị P (Phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) bán các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu cho biết: “Bạn mình bên Hàn nói là bên đó giới trẻ rất chuộng các sản phẩm kiểu này nên mình cũng nhập về bán, đặc biệt là gần Tết và tiệc tùng cuối năm, các mặt hàng này bán khá chạy, một số chị em còn mua hẳn mấy hộp để dự trữ cho chồng hoặc người thân dùng dần”.
Cũng chung tâm lý tìm một sản phẩm “đối phó” với rượu bia, anh Cao Minh Quân (Phường Hoàng Văn Thụ TP Bắc Giang) chia sẻ: “Dịp cuối năm liên hoan, anh em bạn bè gặp gỡ tụ tập, quá chén cũng là việc khó tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần như vậy trong người rất mệt mỏi nên tôi cũng thử qua nhiều sản phẩm giải rượu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Thực tế về tác dụng sản phẩm
Kẹo giải rượu, kẹo chống say là những tên gọi của các sản phẩm này, theo một số người bán giới thiệu với thành phần chính là Curcumin 30 mg (tinh chất bột nghệ), thêm các loại hương liệu vị xoài, chuối… có khả năng giúp “xả” lượng cồn trong máu nhanh hơn, tuy nhiên điều này khiến nhiều người lầm tưởng về tác dụng của sản phẩm có thể làm tăng tửu lượng, giải rượu nhanh chóng.
Thực tế, các sản phẩm kẹo nhai này chỉ có tác dụng sau khi say có thể giúp người uống tỉnh táo, dễ chịu hơn, tuy nhiên không thể loại bỏ được nồng độ cồn trong hơi thở, và không có tác dụng “hấp thu rượu” giúp tăng tửu lượng như một số người bán “thổi phồng”.
Anh Vũ Tiến Mạnh (Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) đã sử dụng loại kẹo này chia sẻ về cảm nhận và tác dụng của sản phẩm: “Tối hôm trước có quá chén mà hôm sau ngủ dậy đau đầu, mệt mỏi dùng loại kẹo này thì mình thấy cũng dễ chịu, tỉnh táo hơn một chút vì là kẹo dẻo có vị xoài, dễ ăn, nhưng tác dụng để chống say và uống được nhiều trước khi vào cuộc nhậu như quảng cáo thì không hề có, cá nhân tôi cũng thấy nếu đã uống rượu nhiều rồi thì 1 vài cái kẹo cũng không giúp giảm bớt lượng rượu trong người”.
Hạn chế rượu bia là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe của bản thân
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa có loại thuốc hay loại kẹo nào có khả năng giải rượu và giúp uống rượu không say hoặc có khả năng nâng cao tửu lượng. Với một số sản phẩm kẹo, nước uống giải rượu trên thị trường hiện nay có thành phần từ tinh bột nghệ (curcumin), gừng, cam chanh, hoặc bổ sung vitamin nhóm B, vitamin PP, B1, B2, B6… cũng có tác dụng nhất định trong việc giải rượu nhưng cần thời gian để chuyển hóa chứ không phải tức thì ngay trước hoặc sau khi uống. Do đó, việc tin tưởng, phụ thuộc vào các sản phẩm giải rượu, hấp thu rượu giúp “vạn chén không say” như quảng cáo là hoàn toàn không đáng tin cậy.
Năm mới cận kề, để đảm bảo sức khỏe, nhất là trong dịp Tết, người dân nên hạn chế uống rượu bia, hoặc uống theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên lạm dụng rượu bia kẻo tiền mất, tật mang. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh./.
Minh Anh