Nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 bậc, giá lũy tiến theo tỷ trọng tiêu dùng điện thực tế.
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ mới đây đã khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành điện nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang đối với các khách hàng dùng điện sinh hoạt, phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Biểu giá điện như thế nào cho hợp lý và đồng thuận là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV.VN với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết những nhận xét cơ bản về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang 6 bậc hiện nay vẫn có những ưu điểm nhất định, nhưng để đáp ứng với tình hình mới thì biểu giá đã bộc lộ khá nhiều khuyết điểm.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Cụ thể, biểu giá điện nhiều bậc đang gây ra những khó khăn nhất định cho việc quản lý của ngành điện, trong theo dõi giám sát của khách hàng sử dụng điện. Hơn nữa, biểu giá điện không phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay, do tỷ trọng số hộ dùng điện gắn với tỷ trọng tiêu thụ điện của từng bậc đã có sự dịch chuyển.
Thực tế qua các năm có thể thấy, các hộ dùng điện ở các bậc thấp đã giảm đi, các hộ dùng điện ở các bậc phổ biến trong xã hội và bậc cao tăng lên. Ví dụ, số hộ tiêu thụ điện dưới 50 kWh/tháng trong năm 2014 chiếm 21,79% trên tổng số hộ dùng điện, thì năm 2017 đã giảm xuống còn 17% và năm 2018 giảm còn 15,17%. Trong khi đó, số hộ tiêu thụ điện từ 300 kWh/tháng trở lên năm 2014 chỉ chiếm tỷ lệ 8,63% thì năm 2018 đã nâng tỷ lệ lên 10,69%.
Bên cạnh đó, khoảng chênh lệch về lượng và giá giữa các bậc thang (giãn cách bậc) như hiện nay là không hợp lý. Tỷ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân chưa phù hợp, dẫn đến có những thời điểm (tháng 3/2019 khi giá điện được điều chỉnh) nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, làm cho người tiêu dùng phải trả thêm nhiều tiền hơn, do tốc độ tăng tiền điện phải thanh toán nhanh và cao hơn tốc độ tăng của lượng điện tiêu thụ.
Đây là nguyên nhân chính gây ra bức xúc trong xã hội của đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, vì số lượng điện tiêu thụ nhiều hơn thường bị “nhảy vào” bậc 3 có giá cao hơn bậc 2 là 16,5% và bậc 4 có giá cao hơn bậc 3 là 25,91%. Vì vậy, nhiều hộ sử dụng điện sẽ phải trả giá điện bình quân từ 2.000 đến trên 2.000 đồng/kWh, mà không phải với giá 1.844,44 đồng/kWh sau đợt điều chỉnh tháng 3 tăng bình quân 8,36%.
PV: Với nhiều bất cập như ông vừa nêu, nếu tiếp tục duy trì cách tính bậc thang thì cần phải sửa đổi như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Trong điều kiện cung - cầu điện của nước ta hiện nay vẫn cần có biểu giá điện sinh hoạt bậc thang, nhưng biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi. Biết rằng sẽ không có biểu giá điện nào thỏa mãn cho tất cả các đối tượng tiêu dùng điện trong xã hội vì phương án nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn phương án đa số người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Để tồn tại biểu giá điện hợp lý và được nhiều người đồng thuận, theo tôi nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 - 4 bậc (tốt nhất là 3 bậc). Bố trí giá lũy tiến nhưng tính theo tỷ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân. Cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao nhưng cũng bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 6 bậc thang được cho là khá "rối rắm"
Vì vậy, bậc 1 nên quy định mức sử dụng là 100 kWh đầu tiên thay cho quy định 50 kWh như hiện nay. Bậc 2 sẽ được thiết kế phục vụ số đông, phục vụ đại bộ phận các hộ có mức tiêu dùng điện ở mức trung bình, phổ biến của xã hội. Bậc 3 sẽ là bậc phải thể hiện được chính sách điều tiết đối với các hộ tiêu dùng điện nhiều, phục vụ chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Điểm cần lưu ý nhất trong việc sửa đổi vẫn là việc sắp xếp các bậc bảo đảm xử lý hợp lý mối quan hệ chênh lệch giữa giá điện của các bậc, so với giá bình quân và khoảng cách giá giữa các bậc với nhau.
Đặc biệt, để bảo đảm tính minh bạch cũng như dễ kiểm soát, ngành điện cũng phải quy định và chịu trách nhiệm giải trình cách tính lượng tiêu thụ trong từng bậc (theo định mức hay tính theo cách sử dụng hết bậc này rồi mới tính tiền sang bậc khác…) qua đó giúp người tiêu dùng tự kiểm soát được lượng điện sử dụng, xóa bỏ cách tính rất “rối rắm” như hiện nay.
PV: Yếu tố công khai minh bạch trong việc xây dựng và cấu thành giá đối với mặt hàng điện vẫn còn có khá nhiều thắc mắc. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi rất chia sẻ với những thắc mắc này của dư luận xã hội. Mặc dù giá điện, giá xăng dầu hiện nay đều được tính theo các cơ chế, quy chế do Nhà nước quy định, không phải ngành này muốn tính thế nào cũng được. Nhưng chính do việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về các phương án giá không cao, không đầy đủ nên người tiêu dùng có quyền nghi ngờ trong việc tính giá đưa các chi phí không đúng vào giá.
Ví dụ như giá điện có “gánh” các khoản thua lỗ đầu tư ngoài ngành không? Giá điện có cộng vào các khoản chi phí không được tính vào giá, những chi phí không liên quan đến sản xuất, cung ứng điện không, như chi phí xây dựng sân Golf, bể bơi và chi phí xây dựng các công trình phúc lợi công cộng…
Những nghi vấn trên không được tuyên truyền, giải thích cộng với cách tính toán tiền điện tiêu thụ hàng tháng khá “rối rắm”, khó hiểu… đã gây ra những bức xúc, thiếu sự đồng thuận trong xã hội.
PV: Ngành điện cũng rất muốn tạo được sự đồng thuận của người dân, vậy theo ông họ cần phải làm gì để thực hiện được điều này?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hiện nay việc tính chi phí sản xuất và giá thành, giá bán điện đều phải tuân thủ Quy chế tính giá chung theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực và tính toán phân bổ chi phí cho từng khâu riêng biệt gồm giá thành phát điện, truyền tải; phân phối bán lẻ; phụ trợ quản lý… và không được phép tính vào giá điện các khoản đầu tư ngoài ngành, các khoản chi không phục vụ việc sản xuất, truyền tải và bán điện.
Từ đó để xây dựng thành 4 biểu giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất, cho khối hành chính sự nghiệp, cho khối kinh doanh và biểu bán lẻ điện cho sinh hoạt.
Muốn tạo được sự đồng thuận của người dân về các cách tính và kết quả tính toán trên, không có cách nào khác là phải có một cơ quan thẩm định độc lập phương án giá do EVN xây dựng. EVN phải có trách nhiệm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về phương án giá đó.
Ngành điện cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, tạo điều kiện thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung ứng điện, tổ chức hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh là hướng ngành điện đang làm và đây là hướng đi đúng. Nhà nước chỉ còn giữ độc quyền trong lĩnh vực truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN