Thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, trang bị các kỹ năng mới cho người lao động thích nghi, thích ứng với việc làm trong thời kỳ kinh tế số và mở ra tiềm năng phát triển cho khu vực thông qua việc tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác giáo dục… là những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quốc tế quan tâm thảo luận, trao đổi tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 diễn ra từ ngày 8-10/11 tại Đà Nẵng.
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: TTXVN)
Cơ hội từ công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa
Chia sẻ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) 2017 tại thành phố Đà Nẵng, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết các nền kinh tế thành viên APEC cần tạo điều kiện cho những người mất việc vì tự động hóa trong một số ngành đã làm cho người lao động phải chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc họ có thể làm tại nhà hay trên các phần mềm thương mại điện tử.
"Nếu bạn đi đến một vài công ty, thậm chí ở Việt Nam, bạn sẽ thấy rằng tự động hóa đang diễn ra rất nhiều. Nhiều công việc đã được thực hiện bằng máy móc chứ không phải con người. Mọi người có thể ngồi ở Việt Nam và bán hàng cho ai đó ở Nam Mỹ chỉ bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Điều đó rất tốt, tuy nhiên những thay đổi này sẽ loại bỏ một số công việc và lại tạo ra một số công việc mới. Tất cả các nền kinh tế đang trải qua thời kỳ công việc và cách thức làm việc thay đổi. Có nhiều việc làm sẽ mất đi và những cơ hội mới sẽ được tạo ra. Vấn đề ở đây là tìm ra những cơ hội đó," bà Kwakwa cho biết.
Cũng theo bà Kwakwa, quá trình này sẽ tiếp diễn và sau đó công nghệ kỹ thuật số sẽ cho phép mọi người tham gia thương mại dễ dàng, hiệu quả hơn.
Tại cuộc thảo luận với chủ đề "Người tạo việc làm mới" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ngày 9/11, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Dương Thị Mai Hoa cho biết robot và máy móc hiện nay đã được sử dụng nhiều trong nhiều ngành công nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, robot thực hiện phẫu thuật còn trong giáo dục, robot dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp giữa con người và máy móc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Người lao động cần được đào tạo để làm chủ máy móc và công nghệ.
Giúp người lao động nâng cao kỹ năng
Đánh giá về tầm ảnh hưởng của công nghệ trong thời kỳ kinh tế số, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia, Lào, cho rằng các nền kinh tế nên đầu tư vào con người, kỹ năng và đào tạo thông qua việc tận dụng công nghệ để tạo việc làm tốt hơn, an toàn hơn, trong đó có các công việc liên quan đến thương mại điện tử.
[Photo] Tiếp tục Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017
Đồng quan điểm, bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, cho rằng các chính phủ cần xác định cụ thể những công việc tương lai; tập trung vào giáo dục để giúp người dân có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương lai.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương Victoria Kwakwa cũng cho rằng hiện nay người dân đã không cần phải tìm kiếm những công việc chính thức mà có thể làm việc từ nhà. Các nền kinh tế cần chuẩn bị một lực lượng lao động chất lượng bằng cách trang bị cho người lao động những kỹ năng, công cụ phù hợp để thích ứng với môi trường mới.
Trong khi đó, ông Nathan Blecharczyk, Giám đốc Chiến lược kiêm người đồng sáng lập Airbnb, công ty công nghệ cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng trọ trực tuyến, cho rằng các nền kinh tế nên có những việc làm lương cao dành cho những người có trình độ học vấn cao.
Tại phiên thảo luận về tương lai của công việc, ông Nicolas Aguzin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngân hàng JP Morgan, nhấn mạnh: “Hơn 500 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. Đã có sự thay đổi lớn trong xã hội của chúng ta trong mười năm qua. Rất nhiều công việc mới được tạo ra và cũng có nhiều công việc bị mất đi trong một số ngành công nghiệp nhất định."
Ông Nicolas Aguzin cho rằng việc mở rộng quy mô giáo dục là điều cần thiết. Các nền kinh tế đang có nhiều cơ hội để phát triển hệ thống đào tạo nghề. Người lao động có quyền được đào tạo ở những lĩnh vực họ cần và đúng công việc mà họ đang làm. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chủ động trong việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm.
“Mọi người không chỉ thu lượm kiến thức từ trường trung học hoặc đại học mà trong suốt cuộc đời. Ngày nay, một người 60 hoặc 70 tuổi vẫn có thể học. Bạn có thể lên mạng học bất cứ điều gì bạn muốn. Không quan trọng bạn là ai, bạn chỉ cần một cái điện thoại thông minh là đủ,” Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngân hàng JP Morgan khẳng định./.
Theo Hạnh Dung (TTXVN/Vietnam+)