205
/
173079
Cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước
coi-troi-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc
news

Cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước

Thứ 7, 30/11/2024 | 07:41:00
110 lượt xem

Vấn đề mở cơ chế như thế nào để doanh nghiệp nhà nước thực sự mạnh, hoạt động hiệu quả được đặt ra trong dự thảo luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Muốn có cơ chế như tư nhân

Chiều 29.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng cơ chế trói buộc cứng nhắc khiến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động không hiệu quả, vốn nhà nước đầu tư bị thất thoát nhưng không kịp thời được phát hiện, hoặc khi phát hiện cũng không rõ trách nhiệm cá nhân.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (trái) và ĐB Hoàng Văn Cường thảo luận tại Quốc hội ngày 29.11

Do đó, ông Cường đồng tình khi dự án luật đã thể hiện rõ 2 tiến bộ rất lớn là bỏ tất cả những quy định có liên quan tới quản trị DN. Đồng thời đưa ra nguyên tắc xác định rất rõ là tiền vốn của nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN thì trở thành vốn của DN, không nhầm lẫn với vốn nhà nước. Điều này sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho các DNNN.

Cùng quan điểm, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói mục tiêu của dự luật là cởi trói, tạo điều kiện tối đa cho DNNN. Ông đề nghị rà soát toàn bộ các quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục để giảm bớt, nhằm tăng quyền tự chủ, tự quyết, tránh tình trạng quản quá chặt, gây khó cho DNNN trong quá trình phát triển. "DN tư nhân đứng ngoài nhìn vào bảo sướng như DNNN. Nhưng tôi cho rằng DNNN hoàn toàn không sung sướng gì với rất nhiều quy định. Ngược lại, DNNN lại đang muốn được cơ chế như DN tư nhân", ông An nêu.

Cạnh đó, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng cơ chế phân phối lợi nhuận như dự thảo đề xuất sẽ không khuyến khích các DN kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi. Nếu DN làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thu nhập của người lao động hằng tháng vẫn cao. Ngược lại, nếu DN tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.

Ông Cường đề xuất việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh.

Chấm dứt can thiệp hành chính vào hoạt động DN

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) băn khoăn về vai trò của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, vẫn đang mang nặng tính hành chính. Theo ĐB, cần xác định rõ đây là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính hay một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt cần hợp nhất các cơ quan này về một đầu mối, tránh phân tán trong quản lý.

Ngoài ra, với xu hướng tiếp tục thoái vốn nhà nước hiện nay, cần có các quy định về thẩm quyền, cách thức quản lý đối với nhóm các DN lớn, giữ vai trò chủ đạo, DN về quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia. Lý do các DNNN rất khác nhau về quy mô vốn và trình độ về khoa học công nghệ, có DN vốn và tài sản chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng, trong khi có DN tài sản lên đến 700.000 - 800.000 tỉ đồng.

Tương tự, ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng cần xây dựng luật trên cơ sở DN được làm những gì mà pháp luật không cấm, hạn chế quy định cứng cho loại hình DNNN. Ngoài ra, cần đảm bảo phân công rõ trách nhiệm giữa bộ ngành, cơ quan nhà nước và chủ sở hữu, tránh trường hợp phát sinh thêm thủ tục đầu tư… Ông cũng đề xuất chỉ nên kiểm soát với 2 hoạt động là quy định về bán vốn, bán tài sản và chuyển nhượng vốn.

Giải trình cuối phiên thảo luận, tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh dự luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại DN. Nhà nước thực sự là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn bình đẳng về quyền và trách nhiệm với các nhà đầu tư khác. Do đó, cần chấm dứt can thiệp hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của DN, đảm bảo hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Về phân phối lợi nhuận, ông Thắng cho rằng cần thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng các cổ đông tham gia, không để cao quá sẽ không phù hợp. Bên cạnh đó, người đại diện vốn nhà nước tại DN có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh cũng như việc bảo toàn, phát triển của DN. Do đó, cần có cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ phù hợp.

"Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, người đại diện vốn rất vất vả nhưng tiền lương thưởng theo thang bậc thì không bao giờ có người tài. Mà người tài thì họ cũng không làm hết trách nhiệm của mình", ông Thắng nêu thực tế. Với DN bên ngoài có thể trả lương gấp 5 - 10 lần, nhưng người đại diện vốn nhà nước được trả rất thấp. Vì vậy, DN làm ăn hiệu quả thì đánh giá hiệu quả dựa vào các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu… cũng cần rõ ràng.

Theo đó, nếu làm tốt thì lương thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương thưởng có tăng lên hay không? Nếu không làm tốt thì mức độ nào cảnh báo, sa thải… thì mới sòng phẳng. Đặc biệt, người đại diện vốn cũng cần đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu đã chấp nhận như DN tư nhân thì phải có cơ chế, nhất là chế độ lương thưởng của người đại diện vốn.

Nhà trong hẻm sâu phải có bình chữa cháy

Sáng cùng ngày, Quốc hội thông qua luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), hiệu lực thi hành từ 1.7.2025. Luật này quy định nhà ở tại 5 TP trực thuộc T.Ư nếu thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC, thì phải trang bị bình chữa cháy và thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH. UBND TP trực thuộc T.Ư có nhiệm vụ xác định khu vực cụ thể "không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy".

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhà ở thuộc diện nêu trên có đặc điểm mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu. Quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy sẽ giúp bảo đảm triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy được kịp thời. Đồng thời, việc thông tin, báo cháy nhanh nhất đến lực lượng cảnh sát PCCC cũng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định được phương án tiếp cận, tiếp nước; qua đó tận dụng được thời điểm

"5 phút vàng" ban đầu khi đám cháy chưa bùng phát lớn, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 lên 300 triệu đồng

Chiều 29.11, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2025, riêng việc thực hiện dự án BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ 1.7.2025.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PPP, Chính phủ tái khởi động lại các dự án theo cơ chế hợp đồng BT. Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức: thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.

Đặc biệt, luật chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án. Đồng thời, không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công.

Theo Mai Hà - Tuyến Phan - Lê Hiệp/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/coi-troi-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-185241129225108779.htm

  • Từ khóa

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định mô hình trại giam cho người chưa thành niên

Luật Tư pháp người chưa thành niên vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định mới, trong đó quy định về điều kiện trại giam cho người chưa thành...
10:50 - 30/11/2024
18 lượt xem

Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ năm 2025

Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương từ năm 2025 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh...
10:34 - 30/11/2024
32 lượt xem

Bộ trưởng Tài chính: 'Lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài'

Tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ chấm dứt việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp,...
18:30 - 29/11/2024
419 lượt xem

Quốc hội thống nhất quy định ngưỡng nợ thuế bị hoãn xuất cảnh

Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định mức tiền nợ thuế và thời gian nợ thuế của người nộp thuế sẽ bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh. Cơ quan quản...
15:35 - 29/11/2024
499 lượt xem

Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia thưởng trà tại Văn Miếu-Quốc Tử giám

Sáng 29/11, Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám và thưởng thức phẩm trà quý của Việt...
15:31 - 29/11/2024
470 lượt xem