Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11 đã đề cập đến hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017, trong đó có Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.
Đoàn đàm phán Bộ Công Thương tại các cuộc tiếp xúc song phương
Nathan Blecharczyk - CEO trẻ nhất APEC là ai?
Các CEO APEC lạc quan về tăng trưởng của doanh nghiệp ở Việt Nam
Thông tin của Tiền Phong cho hay, các đoàn đàm phán thuộc các nền kinh tế APEC đã dành nhiều thời gian bàn thảo Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC, một trong những chủ đề bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công Thương Việt Nam.
Theo đó, với vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử (TMĐT) trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt TMĐT thành một trong những trọng tâm lớn của chương trình nghị sự năm nay. Việc ra đời Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.
Đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Tính riêng về TMĐT B2C, doanh thu TMĐT B2C xuyên biên giới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.
TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.
Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc như sau: Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực; Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới; Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC; Thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; Giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới.
Trao đổi với Tiền Phong bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC về sáng kiến Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới trong APEC có ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế APEC, PGS TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện là chủ đề lớn và nóng đối với tất cả các nền kinh tế APEC.
Theo ông Thiên, tầm vóc của vấn đề bắt nguồn từ sự thay đổi thời đại công nghệ và sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế toàn cầu - mà APEC chính là vùng "trọng tâm" của hai quá trình đó. Giải quyết vấn đề này chính là giải quyết được vấn đề trọng tâm của kết nối phát triển trong thời đại kinh tế số của APEC.
“Việc Việt Nam đề xuất thảo luận chủ đề này trong chương trình nghị sự APEC 2017 và được tất cả các thành viên APEC ủng hộ. Điều này xác nhận tính đúng đắn của sự lựa chọn của Việt Nam. Nó chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC”, ông Trần Đình Thiên bình luận.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, để triển khai sáng kiến này, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, phải tư duy lại chính các khái niệm “thương mại điện tử” trong không gian liên kết xuyên biên giới, trong môi trường tự do hóa và trên nền tảng thay đổi sâu sắc về công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ tự động hóa và công nghệ “in” sản phẩm.
Tiếp đó là phải thiết kế lại chiến lược cơ cấu ngành trong tầm nhìn liên kết, hội nhập. Đây là việc đại sự nhưng lại mới về tính chất. Khi kinh tế thế giới kết nối theo chuỗi, đặt trên nền tảng công nghệ cao và tự do hóa thì không thể tiếp cận chiến lược cơ cấu ngành như xưa.
Thứ ba là cởi bỏ các rào cản, các nút thắt thể chế, cơ chế, chính sách để cho cái mới vào. Thương mại điện tử xuyên biên giới trong chuỗi toàn cầu là những cái mới đó. Cách tiếp cận một nền kinh tế không dùng tiền mặt trên nền tảng kinh tế số mà ông Jack Ma của Tập đoàn Alibaba vừa có buổi thuyết trình đầy cảm hứng là một phần, nhưng có lẽ là phần cốt lõi, của câu chuyện này.
“Chính phủ đang làm những việc này một cách quyết liệt. Làm thật. Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực rất tích cực. Tôi tin rằng sẽ có kết quả tích cực. Song để không bị tụt hậu thì phải nỗ lực hơn rất nhiều, và phải đúng hướng – đúng logic thời đại và với tầm nhìn liên kết, hội nhập toàn cầu”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Theo Phạm Tuyên/Tiền phong