Khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 đang diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức đang diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Đây là diễn đàn thường niên, quy mô lớn nhất về thanh toán điện tử tại Việt Nam. Sau 2 năm tổ chức, đến nay, VEPF tiếp tục là nơi quy tụ đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, các hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017.
VEPF 2017 được tổ chức trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều dịch vụ thanh toán mới, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông cũng xuất hiện, như thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment).
Phát biểu khai mạc VEPF 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thanh toán di động sẽ nhanh chóng phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đồng thời nhấn mạnh, đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Với 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quân huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Đồng thời Chính Phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức.../.
Theo PV/Vnexpress