Vẫn còn nhiều ý kiến thận trọng liên quan đến triển vọng của một thỏa thuận TPP mà không có sự tham gia của Mỹ trong tương lai gần.
Sau vòng thảo luận mới nhất diễn ra tại thành phố Urayasu, Nhật Bản cuối tháng 10 đầu tháng 11, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho biết, tất cả các thành viên còn lại đều tỏ ý muốn đạt được tiến triển và kết quả tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam trong những ngày tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến thận trọng liên quan đến triển vọng của một thỏa thuận TPP mà không có sự tham gia của Mỹ trong tương lai gần.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV trước thềm Hội nghị cấp cao APEC 2017, Đại sứ Hàn Quốc Lee Huyk cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP đã khiến cho động lực đàm phán TPP giảm sút. Nhiều nước thành viên đã bày tỏ lo ngại về tương lai của TPP.
“Rất khó có thể nói đến một tương lai của TPP trong tương lai gần. Bởi còn nhiều vấn đề trong quá trình đàm phán TPP cần phải được làm sáng tỏ. Hiện cũng còn nhiều nước trong TPP lo ngại về quá trình đàm phán này. Các nước đã ngồi với nhau, để cùng xem xét những hướng đi, có thể là hoàn toàn mới cho TPP. Nhưng con đường còn rất dài. Tôi chỉ có thể hi vọng, 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ có cuộc thảo luận thực chất hơn ở APEC lần này”, Đại sứ Lee Huyk cho hay.
Việc Mỹ rút khỏi TPP đã khiến cho động lực đàm phán TPP giảm sút. (Ảnh minh họa: KT)
Những nước thành viên của TPP lo ngại mà ông Lee Huyk nhắc tới có Canada. Canada cho rằng cần đảm bảo tất cả điều khoản trong TPP 11 không ảnh hưởng tới quá trình đàm phán sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico. Ngoài ra, một số vấn đề được cho là còn nhiều khác biệt bao gồm điều khoản giải quyết xung đột giữa nhà đầu tư và chính quyền, các vấn đề về lao động và môi trường.
Còn theo Đại sứ Australia tại Hà Nội, ông Craig Chittick cho rằng, tự do hóa thương mại là xu thế không thể đảo ngược, bởi nó sẽ tạo ra nhiều động lực phát triển mới cho kinh tế toàn cầu, đồng thời các nước sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Chính vì thế, việc Mỹ rút khỏi TPP là một việc đáng tiếc, và các nước còn lại nên nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hình thành một TPP không có Mỹ.
“Mỹ rút khỏi TPP thì TPP vẫn là một thỏa thuận tốt và những cơ hội để có được TPP không có nhiều. Điều quan trọng là các nước nhận ra mặt tích cực của Hiệp định, nhận thức được rằng nó có thể thành công hoặc là không. Nếu không thành công thì gây thiệt hại lớn như thế nào và chính vì thế các thành viên phải nỗ lực hơn thế này để có được hiệp định”, Đại sứ Craig Chittick bày tỏ.
Theo Đại sứ Craig, các nước đang thảo luận hiệp định giống với phiên bản ban đầu, với trông đợi Mỹ sẽ quay trở lại. Quyết định của Mỹ tất nhiên cũng làm thay đổi động lực, nhưng Australia tin rằng với ít sửa đổi, TPP sẽ là cách tốt nhất để có một kết quả tốt ở Đà Nẵng. Nếu TPP không được thông qua, các bên sẽ bị tổn thất, không chỉ Australia mà cả Việt Nam
Trong cuộc đàm phán tại Nhật Bản tuần trước, dù không tiết lộ chi tiết, song trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Umemoto xác nhận đại diện đàm phán của 11 nước “đã đạt sự thống nhất” về việc đóng băng một số điều khoản đồng thời rút lại một số yêu sách trước đây. Trong đó, New Zealand chấp thuận không yêu cầu đàm phán lại từ đầu liên quan tới kế hoạch kiềm chế nhà đầu tư ngoại mua bất động sản của nước này.
TPP 11 là tên gọi của thỏa thuận thương mại giữa 11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ chính thức rút ra hồi đầu năm 2017. Dự kiến, bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các bộ trưởng TPP 11 sẽ bàn bạc, sau đó là cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo 11 nước thành viên.
Nhật Bản được cho là sẽ nỗ lực tiếp tục đóng vai trò đầu tàu gắn kết trong các cuộc đàm phán cũng như sắp xếp thảo luận song phương giữa các thành viên để thu hẹp bất đồng. Trưởng đoàn Nhật Bản Umemoto còn nhấn mạnh việc TPP 11 ra đời và có hiệu lực sẽ là thông điệp mạnh mẽ để Mỹ cân nhắc quay lại thỏa thuận chiến lược này. Nếu thật sự có thể hình thành, TPP 11 sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, kết nối 11 nền kinh tế thành viên với tổng GDP lên đến hơn 12.000 tỉ USD.
Ông Alan Bollard, giám đốc điều hành Ban thư ký APEC cũng bày tỏ hy vọng TPP 11 sẽ đạt được những triển vọng lớn tại Hội nghị APEC tại Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo tham gia TPP 11 sẽ đưa ra được một thông báo quan trọng tại Hội nghị APEC sắp tới. Một khả năng đó là các nước có thể ký một thỏa thuận thương mại mới với những thay đổi khi Mỹ không còn tiếp tục tham gia Hiệp định”, ông Alan Bollard cho biết.
TPP được xem là một thỏa thuận thương mại tự do đa phương thế hệ mới lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này đã được 12 nước ký kết tháng 2/2016. Tuy nhiên, khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này khiến cho TPP có khả năng không thể thực hiện được.
Các nước thành viên của TPP hầu hết đều là các nền kinh tế thành viên của APEC, do đó, nếu TPP bị đổ vỡ thì cũng có nghĩa, mục tiêu về tự do hóa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có nguy cơ bị cản trở. Điều này đòi hỏi một nỗ lực chính trị hóa cao nhất của các nhà lãnh đạo TPP 11 cũng như sự ủng hộ lớn của các nền kinh tế APEC còn lại./.
Theo Châu Anh/VOV-Trung tâm Tin