Lãnh đạo ngành tài chính khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền với xăng dầu theo hướng tính thêm cả lượng sản phẩm của Dung Quất để có lợi hơn cho người dùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
[Thủ tướng đồng ý thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu xăng dầu]
Nói rõ hơn về điều này trong buổi họp báo Chính phủ tối 3/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, trong kỳ điều hành vừa qua, ngành tài chính đã đề nghị tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền với xăng dầu có tính thêm lượng xăng dầu sản xuất trong nước, cụ thể là với nhiên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Sản phẩm trong nước không phải nộp thuế nhập khẩu nhưng nếu không tính thêm lượng xăng dầu từ Dung Quất thì thuế bình quân sẽ cao hơn và theo đó khiến giá xăng dầu sẽ cao hơn, người tiêu dùng bị thiệt trong khi doanh nghiệp trong nước được lợi hơn bởi giá xăng dầu cao,” Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Theo Thứ trưởng, Dung Quất đang tham gia thị trường xăng dầu với thị phần chiếm gần 40% và quý này lên tới 47%.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng nhắc tới một số ý kiến trước đó lo ngại đứt nguồn cung vì mức thuế bình quân gia quyền trong đợt điều hành vừa qua đã về 8,56%, thấp hơn Hàn Quốc (10%). Theo Thứ trưởng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Bộ Công Thương theo dõi và nếu ảnh hưởng tới dự trữ xăng dầu, tác động tới nguồn cung, các bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, hồi năm 2016, lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận phương pháp tính thuế nhập khẩu xăng dầu mới.
Cụ thể, thay vì xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo mức theo nhập khẩu ưu đãi (MFN), phương pháp xác định thuế mới sẽ căn cứ thêm cả yếu tố tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý với cách tính là dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ tính theo mức bình quân gia quyền của hai biểu thuế trên (MFN và FTA)./.
Theo Quang Dũng (Vietnam+)