Với kết quả ấn tượng năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% trong năm 2018.
Trong báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 là 6,5 - 6,7%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trước Quốc hội sáng 23/10 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng cho biết, năm 2018 Chính phủ sẽ nỗ lực giữ nguyên tốc độ tăng trưởng của năm nay, đẩy nhanh đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đồng thời tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT…
Giữ vững tốc độ tăng trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế trong nước còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện...
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2018 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7% Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP |
Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,5 - 6,7%. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Rà soát chặt dự án BOT, BT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2018, Chính phủ sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT, tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Một trong những nội dung trọng tâm 2018 là Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Đồng thời, sẽ có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội, quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn phát triển hạ tầng (Ảnh minh họa: KT)
Cùng với đó là tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Đẩy nhanh đầu tư các dự án trọng điểm
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật, tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, điều chỉnh quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai theo tiến độ một số đoạn trọng điểm của Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số đoạn quan trọng trên Tuyến đường bộ ven biển; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN