Khi đến sân bay Sydney (Úc), tôi cùng đoàn công tác trải qua một trải nghiệm đáng nhớ.
Nhân viên hải quan, khi thấy nhiều người trong đoàn ghi có mang theo thuốc lá, đã cười nói: "Các bạn hút thuốc nhiều quá nhỉ!". Chúng tôi đành cười gượng đáp lại, vì gần như ai cũng mang thuốc lá, thậm chí cả nữ giới, do cầm giúp những thành viên khác.
Những ngày lưu lại đây, chúng tôi cảm nhận rõ sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc hút thuốc. Anh tài xế người gốc Ukraine kể dù thèm thuốc nhưng mỗi ngày anh chỉ dám hút chưa tới 10 điếu, bởi giá thuốc tại đây rất cao, lên đến 50 đô la Úc (khoảng 850.000 đồng) một gói. Trong khi tiền công lao động phổ thông chỉ khoảng 20 AUD/giờ (340.000 đồng) và giá một bữa ăn vào khoảng 30 AUD/người (530.000 đồng). Đặc biệt, hút thuốc ở khách sạn có thể đối diện với mức phạt rất nặng. Trên đường phố, trước trạm chờ tàu điện hay các khu vực công cộng, người ta cũng chỉ hút thuốc ở nơi có gạt tàn đặt sẵn, để tránh vứt tàn bừa bãi và hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Tại các quốc gia phát triển khác mà tôi có dịp ghé thăm, tình trạng hạn chế hút thuốc cũng rất nghiêm ngặt. Chính quyền nhận thức rõ tác hại của thuốc lá không chỉ với người hút mà còn với những người xung quanh.
Ngược lại, tại Việt Nam, việc hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến. Dù có biển cấm hút thuốc nhưng gần như không ai bị phạt. Trên đường phố, quán ăn, các khu vực công cộng, người hút thuốc phả khói vô tư, thả tàn thuốc bay khắp nơi và vứt đầu lọc xuống đường. Ngay cả tại một số công sở, dù theo quy định là cấm hút thuốc nhưng có không ít người vi phạm.
Hiện nay, các quy định pháp luật về hạn chế hút thuốc ở Việt Nam đã được ban hành khá đầy đủ nhưng việc thực thi lại rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là giá thuốc lá còn thấp, dù đã áp mức thuế khá cao. Việc xử phạt người vi phạm cũng rất hiếm, chủ yếu do thiếu lực lượng chuyên trách và công cụ giám sát phù hợp.
Để giảm tình trạng hút thuốc, nhất là hút thuốc nơi công cộng, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và đẩy mạnh giáo dục trong trường học để nâng cao nhận thức của người dân. Cần tăng thuế thuốc lá để giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, cần thực thi nghiêm ngặt các quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng, nơi làm việc, trường học và khu vực đông người. Tăng cường xử phạt đối với người vi phạm và tổ chức lực lượng giám sát để bảo đảm hiệu quả thực thi.
Một giải pháp khác là hỗ trợ những người muốn bỏ thuốc lá thông qua tư vấn, hỗ trợ tâm lý và cung cấp các sản phẩm thay thế. Việc này cần đặc biệt chú trọng đến thanh thiếu niên nhằm giúp họ cai nghiện thuốc từ sớm, tránh lệ thuộc vào chất kích thích nguy hại này.
Các phương tiện truyền thông và cửa hàng bán lẻ không nên được phép trưng bày thuốc lá một cách công khai. Trên phim ảnh, sân khấu cũng cần tránh việc xuất hiện hình ảnh hút thuốc. Nếu buộc phải có, thì chỉ nên dùng các hình ảnh giả định chứ không nên khuyến khích sử dụng, dù là thuốc lá giả.
Cuối cùng, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Các tổ chức xã hội, trường học và doanh nghiệp nên tham gia vào các chương trình chống thuốc lá và hỗ trợ các hoạt động cai nghiện. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thực hiện nghiên cứu để theo dõi tình hình hút thuốc trong cộng đồng và đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã triển khai.
Theo Trịnh Minh Giang/NLĐO
https://nld.com.vn/tang-thue-de-giam-hut-thuoc-196241008213841518.htm