4
/
170689
Kích cầu tiêu dùng: Cách nào hợp lý nhất?
kich-cau-tieu-dung-cach-nao-hop-ly-nhat
news

Kích cầu tiêu dùng: Cách nào hợp lý nhất?

Thứ 3, 08/10/2024 | 10:43:00
2,061 lượt xem

Cách tốt nhất để kích cầu là tạo công ăn việc làm cho người dân và tạo điều kiện cho họ tự do, chủ động tiêu xài theo nhu cầu

Tiêu dùng nội địa đang là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Từ sau dịch COVID-19, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) liên tục đẩy mạnh các chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên cả nước có tăng, cầu thị trường được cải thiện nhưng chưa bền vững, cần có chính sách kích cầu mạnh mẽ hơn nữa.

Không phải đề xuất mới

Tại buổi gặp giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân ngày 4-10, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC Huỳnh Bích Ngọc đã đề xuất Chính phủ có những chính sách để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Trong đó, xem xét việc cung cấp voucher mua sắm đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định nhằm tập trung cân đối những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân, giúp hàng hóa được lưu thông, logistics và các dịch vụ đi kèm được phát triển, nhà nước thu được ngân sách...

Người dân chen nhau mua sắm trong chương trình Shopping Season 2024 do TP HCM tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người dân chen nhau mua sắm trong chương trình Shopping Season 2024 do TP HCM tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Ngọc dẫn ví dụ một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines đã lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.

Trước khi đại diện TTC nêu ý tưởng này, từ giữa năm, khi sức mua rớt xuống thấp, đã có DN phân phối đề xuất phát tiền như một cách khuyến khích người dân chi tiêu và tăng chi tiêu.

Đề xuất này cũng từng được Bộ Công Thương nêu ra hồi tháng 8-2024. Theo đó, tại dự thảo Đề án "Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước", nhằm kích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước trong thời gian đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đề xuất 2 nhóm giải pháp cơ bản. Giải pháp trước mắt, cấp bách là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng; giảm giá để xả hàng tồn kho; chương trình bán hàng bình ổn giá; chương trình hàng Tết… Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi.

Về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (các chính sách tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho DN và người dân).

Ở phạm vi hẹp, từ trong dịch COVID-19, một số cơ quan, hội ngành nghề đã tiến hành phát voucher cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo… mua sắm. Gần đây nhất, một số quận ở TP HCM cũng phát voucher cho người dân mua thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu tại các điểm bán hàng lưu động do Sở Công Thương TP HCM phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức.

Không dễ thực hiện

Câu hỏi đặt ra là việc triển khai phát voucher ở phạm vi cả nước liệu có khả thi trong điều kiện Việt Nam chưa có tiền lệ thực hiện? Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), phân tích ở giác độ DN, họ sẽ ủng hộ nếu khách hàng của mình được một khoản tài trợ để mua hàng nhưng tiêu dùng là lĩnh vực phức tạp. Nếu việc phát voucher là chương trình cấp quốc gia, do Nhà nước tổ chức thì trước tiên phải xác định luật pháp Việt Nam có quy định nào để chi cho hoạt động tặng tiền, tặng phiếu mua sắm cho người dân không? Bộ, ngành (ở cấp Chính phủ) và sở, ngành nào (ở cấp địa phương) sẽ chủ trì chương trình này? Cơ quan đó phải làm đề án, giải thích rõ nguồn tiền đến từ đâu, cách thức tổ chức như thế nào… Nếu từ nguồn xã hội hóa thì cơ quan nào huy động và cách thức huy động ra sao?... "Nếu là nguồn từ xã hội hóa, các DN bán lẻ thay vì đóng góp cho cơ quan chức năng để triển khai chương trình sẽ ủng hộ bằng cách giảm giá trực tiếp trên giá bán hàng hóa. Chỉ như vậy DN mới chắc chắn rằng khách hàng sẽ sử dụng ưu đãi đó ở hệ thống bán lẻ của mình chứ không đẩy doanh số về nhà bán lẻ khác" - ông Hòa nói thêm.

Với kinh nghiệm quản lý bán lẻ hàng chục năm, ông Hòa cho rằng phương thức tặng voucher chỉ phù hợp cho từng nhóm nhỏ. Ví dụ, Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận vừa rồi phát voucher cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm trong chương trình bán hàng lưu động của thành phố. "Quận làm được vì nắm rõ danh sách các hộ này trên địa bàn; voucher được dùng tại một địa điểm nhất định, trong thời hạn nhất định. Khi nhân rộng thành chính sách kích cầu của nhà nước sẽ khó xác định được đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, rất khó kiểm soát quà tặng đó có đến đúng đối tượng hay không, có xảy ra tình trạng mua đi bán lại voucher hay không, cách loại trừ tình trạng này thế nào?" - ông Hòa đặt vấn đề.

Một chuyên gia phân tích ngay cả có chủ trương chính sách và có ngân sách để thực hiện việc phát voucher để kích cầu tiêu dùng thì cũng rất khó thực hiện bởi hàng loạt vấn đề phát sinh.

Phải kích cầu từ gốc

Theo các chuyên gia, kích cầu tiêu dùng không nên thực hiện theo kiểu ban phát mà phải làm thế nào cho người dân có cầu. Có tiền thì sẽ có cầu hoặc tiền không đổi nhưng được bù đắp bằng các hình thức khuyến mãi, giảm giá… Giải pháp kích cầu cơ bản nhất là hướng về người tiêu dùng, làm sao bảo đảm nhu cầu và lợi ích của từng bộ phận người tiêu dùng khác nhau. "Với kích cầu tiêu dùng thì thực tế nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo khác với nhu cầu của người có thu nhập trung bình, trung bình khá trở lên. Phải xác định đối tượng thụ hưởng để cụ thể hóa chính sách, chương trình kích cầu cho từng đối tượng. Còn nếu kích cầu sản xuất thì phải tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Chương trình hỗ trợ lãi suất cho DN mà TP HCM đang triển khai cũng nhằm mục đích đó" - ông Hòa nói thêm.

Ông Hòa nhấn mạnh cốt lõi nhất là phải thúc đẩy đầu tư công, đầu tư xã hội để tạo công ăn việc làm, người dân tăng thu nhập sẽ tăng mua sắm tiêu dùng. Chủ tịch HUBA giải thích khi sử dụng hình thức phát voucher thì chỉ có thể đóng khung trong một số nhóm hàng nhất định trong khi nhu cầu của người dân là đa dạng, nếu cho họ công ăn việc làm để có thu nhập cao hơn, họ sẽ chủ động, tự do chọn cái cầu nào (mua sắm lương thực thực phẩm, quần áo, du lịch...).

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng nên có những hạn chế liên quan đến những ngành cụ thể để kích cầu vì nếu phát phiếu chung chung thì khả năng một bộ phận người dân sẽ bán lại phiếu để lấy tiền chứ không mua sắm. Song song đó, nên nhận định rõ các chi phí đó phát hành ra sẽ phục vụ cho những tiêu dùng gì cụ thể.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở đang đẩy mạnh vận động các hiệp hội, DN tham gia chương trình khuyến mãi tập trung trong các tháng cuối năm và tăng cường truyền thông cho chương trình để động viên người tiêu dùng và thu hút thêm khách hàng ở các nơi về TP HCM mua sắm. 

TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính): Sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua phát phiếu mua sắm là không cần thiết bởi hiện nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tốt lên thể hiện qua bức tranh khởi sắc trong quý III/2024 vừa qua, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 4.703,4 nghìn tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, việc phát voucher khi triển khai trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn như phát cho đối tượng nào, phát bao nhiêu.

Thay vào đó, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân thông qua việc điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh khi đã lạc hậu và không còn phù hợp. Thu nhập thực nhận tăng lên, người dân sẽ mạnh tay mua sắm hơn. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có thể còn thấp nhưng xét ở góc độ tích cực, điều này có thể giúp tạo tích lũy tiết kiệm, hướng dòng tiền vào hoạt động đầu tư.

Ông ĐINH TUẤN MINH, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI): Kéo dài thời gian giảm thuế

Nền kinh tế đang phục hồi mạnh, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4% đưa GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng ấn tượng này, không có lý do gì chúng ta triển khai phát tiền mặt hay voucher ở thời điểm này bởi còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát.

Nhà nước nên xem xét kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng thay vì chỉ áp dụng đến hết năm 2024. Thực tế, chính sách này đã phát huy thấy rõ hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Những chính sách hỗ trợ này có ý nghĩa rất quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phục hồi.

Theo Thanh Nhân - Lê Thúy/NLĐ

https://nld.com.vn/kich-cau-tieu-dung-cach-nao-hop-ly-nhat-196241007211457524.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về "3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp" của logistics

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa; xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do
13:58 - 02/12/2024
139 lượt xem

Traveloka, Booking, Agoda đang át vía các đại lý du lịch Việt

Phần lớn thị phần du lịch trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) ngoại như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các doanh nghiệp...
10:18 - 02/12/2024
233 lượt xem

Siết thuế sàn thương mại điện tử

Từ 1.4.2025, theo sửa đổi một số điều của luật Quản lý thuế, sàn thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số...
07:17 - 02/12/2024
291 lượt xem

Xuất nhập khẩu “bùng nổ”, ngành logistics cần nắm bắt thời cơ

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang dần tiệm cận con số 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Đây cũng là cơ hội cho...
09:35 - 01/12/2024
825 lượt xem

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua...
19:06 - 30/11/2024
1,151 lượt xem