Dịch bệnh, thiên tai khiến ngành xuất khẩu thủy sản đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trải qua nhiều biến động từ dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại quỹ đạo thông thường và đang tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Tuy vậy, toàn ngành lại đang đối mặt nhiều thách thức, có thể ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD năm 2024.
Nhu cầu thị trường tăng
Theo VASEP, giá trị xuất khẩu thủy sản đã lập đỉnh vào quý III vừa qua khi đạt 2,76 tỉ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều bứt phá, gồm: cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng 95%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục sẽ là động lực cho doanh nghiệp (DN) thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, dự kiến kim ngạch toàn ngành chỉ đạt 9,5 tỉ USD, dù tăng 7% so với năm ngoái nhưng lại thấp hơn mục tiêu 10 tỉ USD đề ra hồi đầu năm 2024. Một trong những lý do khiến ngành thủy sản khó hướng đến mục tiêu cao hơn là do tình trạng thiếu nguyên liệu.
Xuất khẩu thủy sản đang thuận lợi về thị trường nhưng khó khăn về nguyên liệu
Trong đó, thiếu nguyên liệu nghiêm trọng nhất là ngành tôm. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - được xem là "vua tôm" Việt Nam, đã chỉ ra thách thức lớn mà lĩnh vực xuất khẩu tôm đang gặp phải, đó là giá thành nuôi tôm ngày càng cao. Nguyên nhân là do tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam quá thấp, chỉ 40%, trong khi các nước sản xuất lớn khác như: Ấn Độ 60%-70%, Ecuador 90%.
Phần lớn người nuôi tôm Việt Nam là nhỏ lẻ, không có kênh cấp thoát nước riêng nên dễ làm lây lan dịch bệnh cho tôm. Người nuôi cũng chưa chịu làm các chứng nhận BAP, ASC, tôm hữu cơ/sinh thái… nên khó bán tôm hoặc bán được nhưng giá không cao. "Chưa kể, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng trà trộn vào thị trường, người mua không phân biệt được nên tỉ lệ nuôi thành công rất thấp" - ông Quang nêu thực trạng.
Ông Quang cho rằng trong chuỗi giá trị tôm, DN Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến. Tuy nhiên, khâu nuôi và phân phối thì khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ.
"Thời gian tới, các nước có thể bắt kịp và vượt Việt Nam về khâu chế biến vì chính phủ và DN của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến" - ông Quang cảnh báo.
Trong khi đó, ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), chỉ ra vấn đề lớn nhất hiện nay của DN là thiếu nguyên liệu với cả tôm thẻ và tôm sú. Dù giá mua đã được đẩy lên cao nhưng vẫn thiếu hàng. Nguyên nhân là do năm nay, số ngày nắng tốt không đủ nên người nuôi phơi ao không đạt chuẩn; mưa bão ảnh hưởng nguồn nước nên tôm bị yếu, chậm lớn.
"Thị trường xuất khẩu tôm "ấm" lên do khách hàng mua chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm, giá bán cũng tăng 10%-15% nhưng lo nhất vẫn là không đủ nguyên liệu" - ông Khoa băn khoăn.
Lo dịch bệnh xâm nhập
Tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 3-10 ở TP HCM, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin qua kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu đã phát hiện 3/10 lô chính ngạch nhiễm bệnh.
"DN lỗ cả chục tỉ đồng do phải tiêu hủy lô tôm giống nhiễm bệnh. Đây là tôm nhập khẩu chính ngạch còn kiểm soát được, còn nhập lậu thì nguy cơ mang dịch bệnh là hiện hữu. Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện vụ buôn lậu tôm hùm giống bằng đường hàng không. Do đó, cần tăng cường kiểm soát để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập" - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN-PTNT, cho biết 99% tôm hùm giống của Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia do nước này có vùng biển thuận lợi cho tôm hùm sinh sản. "Sau khi phát hiện nguy cơ tôm hùm giống nhập khẩu mắc bệnh sữa và bệnh đốm trắng, Việt Nam đã phối hợp cùng Indonesia kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Theo đó, phía Indonesia kiểm tra từng lô trước khi xuất khẩu; khi sang Việt Nam tiếp tục kiểm tra từng lô, nếu đáp ứng yêu cầu mới cho thông quan" - ông Long thông tin.
Theo ông Long, nhu cầu về tôm hùm giống đang tăng. Thế nhưng, người nuôi phải cẩn trọng, tránh mua hàng nhập lậu để phòng rủi ro con giống nhiễm bệnh, chất lượng kém, nuôi lâu lớn.
Cục trưởng Cục Thú y cho hay thời gian qua, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 4.257 ha, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại phát sinh nhiều bệnh mới đáng lo ngại và chưa có vắc-xin. "So với động vật trên bờ, thủy sản ít có vắc-xin hơn. Một số bệnh đã có vắc-xin nhưng ít được ứng dụng. Do đó, cần tiếp tục xử lý môi trường nước để tránh ô nhiễm, chọn con giống sạch bệnh, chọn thức ăn không chứa mầm bệnh, tăng cường kiểm dịch vận chuyển, tránh mầm bệnh lây lan để phòng từ sớm, từ xa" - ông Long đề nghị.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết bão số 3 vừa qua cũng ảnh hưởng lớn đến vùng nuôi trồng thủy sản. Ngành thủy sản sẽ thống kê về thiệt hại cụ thể, chi tiết để lên kế hoạch phục hồi và tăng tốc sản xuất ở những vùng không bị ảnh hưởng nhằm bảo đảm nguyên liệu cho xuất khẩu.
"Từ nay đến cuối năm, với việc thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá bán tăng, khả năng cao ngành thủy sản vẫn về đích xuất khẩu 10 tỉ USD" - ông Phùng Đức Tiến kỳ vọng.
Theo Ngọc Ánh/ NLĐ
https://nld.com.vn/xuat-khau-thuy-san-lo-vo-ke-hoach-196241003202826268.htm