Những món hàng vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng xuất xứ nước ngoài tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử, sẵn sàng giao đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn đã trở nên phổ biến tại VN.
Ngồi VN mua hàng nước ngoài giá bèo
Tự tay mua hàng khắp nơi ở thế giới và được giao tận nhà không còn là chuyện lạ với các bạn trẻ ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…
Qua các sàn thương mại điện tử, việc mua hàng nước ngoài có chi phí vận chuyển đến tận nơi cũng ngang với mua hàng trong nước Ảnh: Ngọc Thắng
Trên Lazada có mục Lazada-Global hay trên Shopee có mục "Săn deal quốc tế" với vô vàn sản phẩm khác nhau từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, ba lô, túi xách, phụ kiện hàng công nghệ như ốp điện thoại, tai nghe, sạc nhanh… với giá chỉ vài chục ngàn đồng trở lên.
Thử lên sàn Shopee, một hộp phấn má hồng dạng thỏi có giá 79.000 đồng và ghi rõ được ship từ nước ngoài. Tương tự, tìm kiếm đôi giày sneaker giá hơn 300.000 đồng trên mục Lazada Global cũng xuất hiện nhiều sản phẩm khác nhau, ghi rõ ship từ nước ngoài với mức phí thông thường chỉ 17.000 đồng, người mua có thể thanh toán khi nhận hàng…
Nói chung các điều kiện thanh toán, phí ship của những sản phẩm đặt mua trực tiếp từ nước ngoài thông qua các sàn nói trên không khác với hàng bán của các cá nhân, tổ chức trong nước, thậm chí thường rẻ hơn.
Chia sẻ thêm về điều này, Lê Viên (một bạn trẻ sống tại TP.HCM) cho biết không chỉ các sàn thương mại điện tử, mà còn có nhiều trang web chính thống bán và giao hàng tại VN. Trong đó, nhiều website có rao hàng bằng tiếng Việt giúp người mua dễ dàng lựa chọn như taobao....vn, aliex....com, global.j...com... Việc giao nhận hàng hóa đến tận tay người mua, với phí vận chuyển cũng tương tự mua hàng trong nước, thực hiện qua các đơn vị chuyển phát nhanh.
"Trước đây cứ sợ mua hàng từ nước ngoài thì phí ship rất đắt hay giá quá cao nhưng giờ thì thấy cũng bình thường. Việc của người bán họ lo, mình không biết vì chỉ nhận hàng mới trả tiền, thấy giá hợp lý và sản phẩm đúng như hình ảnh là mua. Mà nếu đặt mua hàng quốc tế trên các sàn thì cũng chỉ hơn tuần là có, không quá lâu đến cả tháng như đặt qua các nhà nhận order quốc tế", Lê Viên nói.
Đem thắc mắc tại sao hàng ở nước ngoài về VN vẫn có giá rẻ hơn hàng trong nước, K.V, đại diện một dịch vụ chuyên nhận mua hàng quốc tế (order) tại TP.HCM, cho biết hàng giá rẻ trên mạng tràn ngập, nhất là xuất xứ Trung Quốc hay một số nước trong khu vực, nếu nhận mua hộ như K.V thì thường đơn vị vận chuyển sẽ tập trung nhiều đơn hàng, sau đó đưa về VN theo container nên phí thấp. Các thủ tục thông quan, giao hàng cũng do phía vận chuyển lo toàn bộ.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất ở đây là nếu như đặt hàng thông thường phải đến 4 tuần trở lên mới đến tay khách hàng ở VN, thì khi mua qua các sàn thương mại điện tử chỉ từ 7 - 10 ngày. K.V cho hay có thể các kho hàng đã tập trung sát biên giới VN, người bán lẻ ký gửi sẵn hàng và khi có đơn hàng là ship luôn nên không mất nhiều thời gian.
Lỗ hổng miễn thuế hàng dưới 1 triệu đồng
Việc hàng hóa giá trị thấp ở nước ngoài ồ ạt vào VN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc đến trong những cuộc họp vừa qua. Nguyên nhân là hàng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu theo Quyết định số 78/2010. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thu thuế GTGT, đặc biệt là đối với giao dịch mua bán các hàng hóa này thông qua nền tảng số và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, trước đây việc miễn thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Theo số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3.2023, trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về VN. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop… Luật Thuế GTGT hiện hành và dự thảo luật sửa đổi không quy định việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Vì vậy, cơ quan trên đề nghị Bộ Tài chính khi ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử bảo đảm chấm dứt hiệu lực của quy định miễn thuế GTGT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tại Quyết định số 78/2010 để có thể mở rộng và bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với hàng hóa.
Đồng tình với ý kiến vừa nêu, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng việc miễn thuế GTGT cho hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng giờ không còn phù hợp khi thương mại điện tử ngày càng bùng nổ. Các cá nhân, tổ chức sẽ lợi dụng chính sách này và nhanh chóng ship hàng tận tay người mua trong nước. Hàng hóa nước ngoài đã rẻ lại được miễn thuế GTGT sẽ khiến hàng VN càng không thể cạnh tranh được.
Do đó, ông Phú cho rằng đã đến lúc cần bỏ ngay quy định trên, áp dụng mức thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu như hàng hóa trong nước thông thường. Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý hàng Việt phải tự nâng cấp như có mẫu mã đa dạng, sản phẩm chất lượng,an toàn và doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, liên kết với nhau từ nhà sản xuất đến phân phối để đưa hàng hóa đến tận tay người dùng với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa, ngăn chặn hành vi gian lận… thì cũng phải nâng cấp các chợ truyền thống, hỗ trợ hàng Việt được phân phối rộng rãi đến vùng sâu vùng xa thì mới có thể cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, phân tích: Thuế nhập khẩu năm 2016 quy định hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu. Sau đó, Nghị định số 134/2016 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng được miễn thuế. Như vậy, trước nay hàng hóa dưới ngưỡng 1 triệu đồng được miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu được quy định tại Quyết định số 78/2010 và tại Nghị định số 134/2016. Quan trọng là hiện nay, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu. Do đó, chỉ cần bỏ Quyết định số 78/2010 và sửa đổi khoản 2 điều 29 Nghị định số 134/2016 mà không cần phải quy định trong luật.
Quy định không còn phù hợpTrước đây, khi Chính phủ ban hành quy định miễn thuế GTGT hay thuế nhập khẩu cho hàng hóa giá trị nhỏ thì phù hợp. Nhưng hiện nay, hàng hóa ngày càng rẻ, mức 1 triệu đồng cũng mua được rất nhiều sản phẩm khác nhau. Cùng với xu hướng thương mại điện tử phát triển, logistics hiện đại… thì quy định này không còn phù hợp, bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng khiến thất thu thuế và không công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều nước cũng đã bỏ quy định này nên VN xem xét bỏ là phù hợp. Luật sư Trần Xoa |
Theo Mai Phương/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/hang-ngoai-gia-re-tran-vao-vn-nho-mien-thue-185240924215819811.htm