Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 99 ngày 23-9 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Công điện nêu xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, nhất là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải, giá vàng...
Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước nhân dân nếu để xảy ra thiếu xăng dầu
Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tiếp tục bảo đảm cung ứng, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước nhân dân nếu để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phải chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
"Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc điều tiết, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn" - Thủ tướng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định; cập nhật, rà soát và điều chỉnh các chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý) các sai phạm theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch, phương án sản xuất, phân phối, dự trữ, điều tiết, bán lẻ xăng dầu phù hợp, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
"Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước nhân dân nếu thiếu chủ động để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước" - Thủ tướng yêu cầu.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn được phân giao cho cả năm 2024. Nguyên do là nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; một số bị lỗ do giá xăng dầu trong và ngoài nước đều giảm mạnh, trong khi vẫn phải bảo đảm lượng dự trữ trong 20 ngày nên việc cân đối gặp nhiều khó khăn. |
Theo Lê Thúy/NLĐO
https://nld.com.vn/thu-tuong-chi-dao-nong-ve-cung-ung-xang-dau-196240923224859136.htm