Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút khỏi NATO nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những đe dọa và yêu cầu không thể chấp nhận được về S-400. Nếu như vậy sẽ là một đòn giáng mạnh với NATO.
S-400. Ảnh: Hürriyet Daily News
"Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đứng sau Mỹ về sức mạnh quân đội trong NATO. Việc rút khỏi NATO sẽ là một đòn giáng mạnh đối với liên minh quân sự này" - chuyên gia phân tích Stephen Lendman viết trong một bài báo cho Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa (CRG) ở Canada.
"Nếu những lời đe dọa và đòi hỏi không thể chấp nhận được của Mỹ vẫn tiếp tục, thì việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO là điều không thể tránh khỏi" - ông Ledman nói.
Chuyên gia Ledman đưa ra bình luận tại thời điểm mà tương lai chiến lược của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ đang đối mặt với nhiều thử thách.
Vào tháng 12.2017, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga sau khi sáng kiến mua tên lửa Patriot Mỹ năm 2013 rơi vào quên lãng.
Ở đỉnh điểm cuộc nội chiến Syria đe dọa biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, Washington nhận thức được nhu cầu của Ankara mua hệ thống phòng không, nhưng vẫn đưa ra mức giá cắt cổ đối với Patriot.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 cho Báo cáo Quốc phòng và Không gian Vũ trụ, nhà khoa học chính trị cao cấp Stephen Flanagan của tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation cho biết, Mỹ có những "quan ngại" về Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó.
Vào năm 2013, Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đảm bảo nhu cầu quốc phòng của mình thông qua các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Nga vì hai nước đã bất hòa với nhau trong cuộc chiến Syria cho đến năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã mua các sản phẩm thay thế của Châu Âu, đặc biệt là Italia, nhưng vào năm 2017 khi Nga đề nghị cung cấp hệ thống phòng không S-400 với mức giá hợp lý và một hợp đồng công bằng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận.
Kể từ đó, mặc dù các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tái khẳng định cam kết với NATO và nói rằng nước này không chọn Nga thay vì NATO, nhưng Mỹ liên tục theo đuổi chính sách đe dọa.
Chính sách đó đạt đến mức đỉnh điểm trong tuần này khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ hạn chót đến ngày 31.7 để đình chỉ thương vụ mua S-400 của Nga, nếu không sẽ đối mặt với hậu quả.
Bác bỏ "tối hậu thư", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vấn đề S-400 là "thỏa thuận đã thực hiện" và "không có chuyện rút khỏi thỏa thuận" này. Còn Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói: "Không ai có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn giữa NATO và Nga".
Chuyên gia Flanagan tin rằng Mỹ nên "mở một cánh cửa" trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và phát triển một chiến lược dài hạn. Lý do ông đưa ra là bối cảnh chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi ở các cuộc bầu cử trong tương lai.
Về cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, ông Flanagan tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng góp công bằng cho NATO ở Afghanistan và những nơi khác.
Theo Khánh Minh/Lao động