Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể thụ hưởng, hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Ngày 25-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Dịp này, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã triển khai các nhiệm vụ trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng
Tại hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở đầu cầu trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh - thành phố, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06.
Theo đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ số đã được đưa vào phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả như: đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Bộ Công an đã cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...
Người dân làm căn cước công dân gắn chip ở TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Ý LINH
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần năm 2021); thực hiện hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021).
Đáng chú ý, vấn đề an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Năm 2022, cơ quan chức năng đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. 56% cơ quan Đảng, Nhà nước đã áp dụng cấp độ bảo đảm an toàn thông tin chuẩn.
Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra.
Tính chung năm 2022, 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; 45/56 nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp; 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 đã được hoàn thành và 166 nhiệm vụ đang tiếp tục được triển khai.
Vẫn còn tình trạng "cát cứ thông tin"
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được song cũng nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương có nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả và còn tình trạng "cát cứ thông tin". Đến nay, cứ 10 lần người dân thực hiện thủ tục hành chính thì khoảng gần 7 lần vẫn phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Vẫn còn 266 thôn, bản chưa được phủ sóng di động.
Bên cạnh đó, an toàn, an ninh mạng ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu; còn hiện tượng "chảy máu chất xám" ra nước ngoài; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai chuyển đổi số...
Phủ sóng viễn thông toàn quốc
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023 phải xây dựng cho được Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
"Đây là tài sản của quốc gia chứ không phải của bộ, ngành nào nhưng giao Bộ Công an chủ trì về cơ sở vật chất; không bảo thủ, không cát cứ, không cục bộ. Phải thiết kế các công cụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quyền công dân theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật" - Thủ tướng chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công an một số công việc cụ thể. Theo đó, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06. Trong đó, khẩn trương hoàn thành cung cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, mã định danh cá nhân và thực hiện nhiệm vụ phát sinh cần thiết để triển khai hiệu quả mục tiêu chung của Đề án 06. Trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công an tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện thuận lợi, đơn giản các dịch vụ công có sử dụng thông tin về công dân, nhất là thời gian đầu bỏ hộ khẩu giấy. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng sim rác. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử, tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân. Phấn đấu đến quý II/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành khác những công việc cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 06. Cụ thể, giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp phủ sóng viễn thông tới 266 thôn, bản còn lại trong năm 2023. "Phải phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan lĩnh vực đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
"Năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể thụ hưởng, hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số" - Thủ tướng nêu rõ.
Dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân.
"Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", hình thức, chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống" - Thủ tướng lưu ý.
Theo Bảo Trân/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-phai-tranh-tram-hoa-dua-no-20221225221104058.htm