24
/
149837
Đông Bắc Á dậy sóng vì nước thải nhiễm xạ
dong-bac-a-day-song-vi-nuoc-thai-nhiem-xa
news

Đông Bắc Á dậy sóng vì nước thải nhiễm xạ

Thứ 3, 04/07/2023 | 11:00:01
2,251 lượt xem

Nhật Bản chuẩn bị thải dần 1,3 triệu tấn nước thải ra đại dương. Đây là nước nhiễm xạ qua xử lý sau khi làm mát các lò phản ứng bị nóng quá mức tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Người biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ sau xử lý của Nhật ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 24-6 - Ảnh: AFP

Người biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ sau xử lý của Nhật ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 24-6 - Ảnh: AFP

Vụ Nhật xả nước thải nhiễm xạ đang gây sóng gió ngoại giao với các quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Vấn đề nan giải

Theo báo Asahi, trong tình huống khẩn cấp, đánh giá thấy không đủ lượng nước ngọt cần thiết để làm nguội lò phản ứng, quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi phải bơm nước biển lên để làm nguội các tổ máy, ngăn chặn một thảm họa hạt nhân lớn.

Sau hơn 12 năm kể từ sự cố hạt nhân Fukushima, hiện nay quy trình liên tục làm nguội lõi hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi vẫn tạo ra hơn 130 tấn nước nhiễm xạ mỗi ngày. 

Do đã đạt đến 96% sức chứa, sẽ không còn chỗ để chứa lượng nước được thu hồi từ đầu năm 2024. Nhật Bản cần xả 1,3 triệu tấn nước thải đã loại bỏ 62 nhân tố phóng xạ (chỉ còn một đồng vị phóng xạ là tritium và các dấu vết phóng xạ khác) ra đại dương.

Tokyo cam kết quy trình xả thải đảm bảo an toàn. Lượng nước nhiễm xạ nhẹ này sẽ được pha loãng về mức an toàn hơn so với tiêu chuẩn quốc tế (1.500 becquerel - đơn vị đo độ phóng xạ - mỗi lít, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn an toàn quốc gia là 60.000 becquerel mỗi lít). Chúng được thải dần ra đại dương trong 30-40 năm do nước thải mới vẫn được tạo ra mỗi ngày.

Một số nhà khoa học cho rằng tác động của việc tiếp xúc lâu với liều lượng thấp phóng xạ hạt nhân vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và kêu gọi Nhật tạm dừng thải nguồn nước này ra đại dương. 

Những người khác lập luận kế hoạch đủ an toàn nhưng cần minh bạch hơn, ví dụ như mời các nhà khoa học bên ngoài tham gia lấy mẫu và giám sát việc xả thải.

Theo Hãng tin AP, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị điều hành nhà máy điện Fukushima Daiichi - đã lắp đặt xong hệ thống thải bỏ nước thải. Cụ thể, một đường ống ngầm dưới biển đã được đào để xả nước thải cách bờ 1km.

Các cơ quan quản lý của Nhật Bản cũng đã hoàn thành các khâu kiểm tra cuối cùng vào ngày 30-6 vừa qua. Chính phủ và Công ty TEPCO nhấn mạnh lượng nước thải, hiện được lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa tại nhà máy, phải được loại bỏ để tránh bị rò rỉ ngoài ý muốn cũng như để có không gian tiến hành ngừng hoạt động của nhà máy.

Các nước láng giềng giận dữ

Trước đây và cho đến nay, mỗi lần Nhật bàn việc xả bỏ nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra đại dương là dư luận trong nước và quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng gần như Hàn Quốc, Trung Quốc, các đảo quốc ở Thái Bình Dương đều dậy sóng.

Các nhóm đánh cá ở Nhật lo ngại nước thải nhiễm phóng xạ gây thiệt hại về uy tín nguồn gốc hải sản và sinh kế của họ. 

Năm 2015, Chính phủ Nhật Bản và TEPCO hứa sẽ không xả nước thải mà không có sự đồng ý của cộng đồng ngư dân. Giờ đây, nhiều người rất ấm ức và bất bình vì không có sự đồng ý đầy đủ của ngư dân nhưng kế hoạch này vẫn cứ diễn ra.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Nhật Bản hành động liều lĩnh, coi thường sức khỏe và sự an toàn của công dân Trung Quốc cũng như lợi ích của cộng đồng toàn cầu.

"Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với phía Nhật Bản thông qua các kênh ngoại giao. Trước khi thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác, Nhật Bản phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và xin phép các cơ quan quốc tế có liên quan", ông Triệu nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn cáo buộc Nhật Bản sử dụng Thái Bình Dương như "cống rãnh" của riêng mình.

Ông Tse Chin-wan, quan chức Hong Kong về môi trường và sinh thái, cho rằng quyết định xả nước thải mà không xin phép hoặc đồng ý của các quốc gia khác đã vi phạm cả Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

"Nhật Bản đã vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và gây nguy hiểm cho môi trường biển và sức khỏe cộng đồng. Đó hoàn toàn không phải là một hành động của một nhà nước có trách nhiệm", Thông tấn xã Pacific News dẫn lời ông Tse nói ngày 30-6.

Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để phản đối kế hoạch này. 

Hồi giữa tháng 5, lãnh đạo đảng đối lập ở Hàn Quốc nhắn gửi đến Chính phủ Nhật rằng nếu nước thải nhiễm xạ đủ an toàn để uống, Nhật nên để dành mà dùng cho khỏi phí. Người dân Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự âu lo và bất lực của mình bằng cách mua sạch muối để tránh phải sử dụng muối nhiễm xạ về sau.

Người đứng đầu Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, tổ chức đại diện cho 18 quốc đảo, cảnh báo việc xả nước thải nhiễm xạ sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn.

Nhật nhờ IAEA minh oan

Nhật đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm tăng độ tin cậy cho kế hoạch gây tranh cãi này. Từ đầu năm 2022, liên quan đến kế hoạch này, IAEA đã có nhiều chuyến công tác đến Nhật.

Cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Liên Hiệp Quốc cho biết tính đến nay tất cả các báo cáo đánh giá lượng nước tích trữ trong các bồn chứa đặc biệt đều tốt.

Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi sẽ có mặt ở Nhật từ ngày 4 đến 7-7 để công bố báo cáo cuối cùng của IAEA về kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ của Tokyo.

Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/dong-bac-a-day-song-vi-nuoc-thai-nhiem-xa-20230703224841134.htm

  • Từ khóa

Philippines bác thông tin đạt thỏa thuận với Trung Quốc về Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng hai bên đã đạt thỏa thuận trong việc tránh leo thang bất đồng hàng hải trên Biển...
16:25 - 27/04/2024
179 lượt xem

Bộ trưởng Quốc phòng Nga gặp người đồng cấp Iran, đề cập 'mối đe dọa trực tiếp'

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Iran Gharaei Ashtiani tại Kazakhstan ngày 26.4.
07:07 - 27/04/2024
400 lượt xem

Coca Cola là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới

Công ty Coca Cola chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu, tiếp theo là PepsiCo chiếm 5%, Nestle 3% và Danone 3%.
19:31 - 26/04/2024
680 lượt xem

Mỹ không thể tịch thu tài sản Nga nếu...

Mặc dù Mỹ là nước khởi xướng việc tịch thu tài sản của Nga, nhưng họ sẽ không làm điều này một mình.
16:31 - 26/04/2024
757 lượt xem

Quá nắng nóng, Bộ trưởng Ấn Độ ngất xỉu giữa lúc phát biểu

Nhiệt độ cao ngất và sức nóng tại chiến dịch bầu cử khiến Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari chóng mặt và ngất xỉu giữa chừng trong bài phát biểu...
15:03 - 26/04/2024
773 lượt xem