Chuyên gia cảnh báo hiện tượng El Nino có thể khiến châu Á trong năm nay đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt, kéo theo hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Một người đàn ông té nước lên mặt vào tháng trước để giải nhiệt ở Dhaka, Bangladesh (Ảnh: EPA).
Theo SCMP, tháng 4 năm nay đã trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử châu Á với hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ bị xô đổ ở các quốc gia trên khắp châu lục.
Tại Thái Lan, chỉ số nhiệt ở một số vùng lên tới mốc 50 độ C. Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi nắng nóng lên mức 45 độ C tại một sự kiện vào giữa tháng 4. Và tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022, hơn 100 trạm thời tiết vào tháng trước đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất. Luang Prabang ở Lào đạt mức cao kỷ lục 42,7 độ C và nhiệt độ đạt mốc 45 độ C ở Myanmar.
Ở Bangladesh, đã có báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới đợt nắng nóng chói chang ở thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền các bang đóng cửa trường học và các quan chức kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh bị tổn hại sức khỏe vì nắng nóng cực đoan.
Liên hợp quốc cho biết 8 năm qua là thời kỳ nóng nhất thế giới từng ghi nhận, mặc dù Trái đất đã trải qua La Nina trong gần một nửa khoảng thời gian trên. Nếu không có La Nina, tình trạng Trái đất nóng lên có thể còn tồi tệ hơn.
Năm nay, El Nino - hiện tượng trái ngược với La Lina - dự kiến sẽ quay trở lại và các chuyên gia cảnh báo, các kỷ lục nhiệt độ có nguy cơ bị xô đổ, bao gồm cả ở châu Á. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan đang trở nên phổ biến hơn, với các chuyên gia cảnh báo rằng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng sẽ gia tăng khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Benjamin Horton tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nắng nóng không chỉ do El Nino gây ra và cho thấy Trái đất đang nóng lên.
Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng đã gây ra khủng hoảng khí hậu khi giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, làm hành tinh ấm lên.
Chuyên gia cảnh báo, sóng nhiệt cực đoan có thể khiến châu Á đối diện với nguy cơ hạn hán, mất mùa, gây nguy hại tới sức khỏe con người, cháy rừng, thiếu nước sinh hoạt, cùng hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Theo Đức Hoàng/Dân trí (nguồn SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/chau-a-doi-mat-nguy-co-song-nhiet-khac-nghiet-trong-nam-nay-20230508092616347.htm