Ngay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ mới ngày 7-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển quốc gia của nước Nga đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036.
Nhân viên nhà máy sản xuất ô tô Moskvich làm việc với dây chuyền sản xuất vào ngày 18-4-2024 - Ảnh: AFP
Về kinh tế, mục tiêu hàng đầu mà Tổng thống Putin đặt ra là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức bình quân của thế giới và đạt vị trí thứ tư thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xét theo sức mua tương đương (PPP) vào năm 2030.
Chuyển đổi sang kinh tế trọng cung
Để đạt được mục tiêu đó, ông Putin muốn chuyển đổi kinh tế Nga sang nền kinh tế trọng cung. Theo báo Vedomosti, việc chuyển đổi sang nền kinh tế trọng cung được Tổng thống Putin công bố lần đầu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg vào tháng 6-2023.
Các điểm chính để chuyển sang nền kinh tế trọng cung gồm tăng khối lượng sản xuất hàng hóa, giảm tỉ trọng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ xuống 17%, tăng thu nhập của hộ gia đình và duy trì mức lương của người lao động không thấp hơn tỉ lệ lạm phát.
Theo Phó thủ tướng Nga Andrei Belousov, bốn điều kiện chính để hình thành nền kinh tế trọng cung là tăng năng suất lao động, tăng mức đầu tư vào kinh tế thêm 20% vào năm 2030 so với hiện tại, tăng tốc độ tăng trưởng các sản phẩm phi tài nguyên và phi năng lượng lên ít nhất 2/3 so với khối lượng xuất khẩu hiện tại, cải thiện hành lang hậu cần vận tải quốc tế đối với hàng hóa của Nga.
Trang web của Chính phủ Nga ghi nhận ngay sau khi được tái bổ nhiệm hôm 10-5, Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng nhắc lại những mục tiêu kinh tế trong sắc lệnh về kế hoạch phát triển quốc gia mà Tổng thống Putin ký hôm 7-5.
Theo ông Mishustin, để có thể đưa nước Nga tiến vào danh sách bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP, Matxcơva không chỉ cần tăng tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà còn phải nâng mức thu nhập của người dân, đảm bảo duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo bản quyền công nghệ và tài chính, cũng như tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng khác trong và ngoài nước.
Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh điều Chính phủ Nga cần làm là tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp mới. Điều này có thể trở thành bệ phóng hỗ trợ mục tiêu tăng khối lượng sản xuất công nghiệp tăng thêm hàng chục phần trăm.
Tuy nhiên, khi khối lượng sản xuất tăng, các nhà cung cấp và doanh nghiệp sẽ cần có thị trường tiêu thụ và tất nhiên là cả thị trường trong và ngoài nước. Giới quan sát tỏ ra nghi ngại về nhiệm vụ tìm thị trường cho các sản phẩm Nga, khi nước Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Giải đáp lo ngại này, ông Mishustin nói trọng tâm chính của Nga vẫn là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác, giao thương, trao đổi với các nước thân thiện với Nga như Belarus, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), các thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
"Chúng tôi cũng chuẩn bị các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, mở rộng hợp tác công nghiệp và khoa học - kỹ thuật, đồng thời khởi động các dự án kinh tế và đầu tư mới giữa Nga với các nước bạn", ông Mishustin nói.
Nông nghiệp là nền tảng?
Phát biểu tại phiên họp toàn thể bàn luận về mục tiêu "Hình thành nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả" hôm 8-5, Phó thủ tướng Belousov nhận định nền tảng tăng trưởng kinh tế Nga trong giai đoạn tới nằm ở năm lĩnh vực cơ bản gồm nông nghiệp, vận tải và kho bãi, sản xuất, thương mại, xây dựng và tài chính.
Tương tự, trong cuộc thảo luận về việc ứng cử vào vị trí thủ tướng hôm 10-5, Chủ tịch Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin đã yêu cầu ông Mishustin, khi đó còn là quyền thủ tướng Nga, phải giữ nông nghiệp nằm trong số các lĩnh vực hoạt động ưu tiên.
"Theo lời đại biểu Mikhail Vladimirovich (tức ông Mishustin), việc ưu tiên quan tâm đến các vấn đề phát triển nông nghiệp đã mang lại kết quả cho nền kinh tế. Đối với chúng ta ngày nay, đây là ngành không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, mang lại nguồn thu lớn hơn so với việc buôn bán vũ khí", ông Volodin nói.
Trái lại, bản báo cáo dự thảo mới nhất về nền kinh tế thời chiến Nga của Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lại cho rằng sự phát triển của kinh tế Nga hiện đến từ ngành năng lượng, nguồn thu ổn định từ việc vận chuyển khí đốt, dầu mỏ, khoáng sản và xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường quốc tế.
Các nhà kinh tế phương Tây lập luận Nga đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá ấn tượng trong năm 2023 nhờ vào mức chi tiêu kỷ lục 32.000 tỉ rúp, phần lớn trong đó dành cho quốc phòng và các khoản thanh toán thời chiến.
Đài CNN đưa tin các nhà kinh tế phương Tây nhận định dù Nga đang vượt qua những cửa ải từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt thì cuộc xung đột ở Ukraine vẫn làm biến dạng nền kinh tế nước này. Giới quan sát cho rằng Nga đang dồn tài nguyên vào ngành công nghiệp quân sự và ngành "mũi nhọn" dầu khí, trong bối cảnh nước này đặt nền kinh tế vào tình trạng chiến tranh.
Chú trọng năng suất lao động, công nghệ Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Mishustin đều đặc biệt lưu tâm đến việc tăng năng suất lao động, xem đó là cốt lõi để phát triển kinh tế. Thượng nghị sĩ Airat Gibatdinov nói với Hãng thông tấn RIA rằng nước Nga đang thiếu nhân sự trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa. Trong khi đó, Hãng tin Bloomberg dẫn đánh giá từ các chuyên gia kinh tế phương Tây cho rằng Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực khi hàng chục nghìn lao động trẻ đã rời khỏi Nga vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine. Theo Tổng thống Putin, lĩnh vực quan trọng thứ hai mà Chính phủ Nga cần lưu tâm là đảm bảo chủ quyền công nghệ, phát triển các sản phẩm và dịch vụ vốn không có sản phẩm tương tự ở Nga. Các lĩnh vực này đều có mối liên quan trực tiếp đến sự hình thành của kinh tế trọng cung. |
Theo Uyên Phương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nga-tinh-vao-top-4-nen-kinh-te-the-gioi-tu-nen-tang-nong-nghiep-20240512233737535.htm