Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết Triều Tiên vừa phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo - vụ thử thứ hai trong một tuần từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un hối thúc quân đội phát triển năng lực.
Phía Hàn Quốc cũng xác nhận thông tin này. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng "đầu đạn chưa xác định" sáng 11-1 về phía biển Nhật Bản.
Cả hai cơ quan đều chưa công bố chi tiết.
Đây là vụ phóng thử thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thúc giục quân đội thực hiện nhiều bước tiến quân sự hơn nữa nhằm đối phó với tình hình quốc tế bất ổn, giữa lúc các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ đình trệ.
Triều Tiên phóng tên lửa siêu thanh tại một địa điểm không được tiết lộ vào ngày 5-1. Ảnh: KCNA
Theo Reuters, tên lửa được phóng chỉ một ngày sau khi phái đoàn tại Liên Hiệp Quốc của Mỹ, Pháp, Ireland, Nhật Bản, Anh và Albania ra thông cáo chung lên án vụ thử tuần trước.
Vào ngày 6-1, truyền thông Triều Tiên tuyên bố vụ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm đầu tiên trong năm 2022 đã thành công. Tên lửa tấn công trúng mục tiêu cách 700 km.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) thời điểm đó đưa tin vụ thử nghiệm khẳng định khả năng kiểm soát bay và độ ổn định của tên lửa trong giai đoạn bay chủ động, đánh giá hiệu suất của kỹ thuật chuyển động ngang mới được áp dụng cho đầu đạn lướt siêu vượt âm tách rời. KCNA cho biết: "Cuộc thử nghiệm cũng giúp đánh giá hệ thống ống dẫn nhiên liệu trong điều kiện thời tiết mùa đông".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield khẳng định: "Những hành động này làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, gây leo thang căng thẳng và đặt ra mối đe dọa đáng kể với ổn định khu vực. Các vụ thử vũ khí không chỉ củng cố năng lực quân sự Triều Tiên, mà còn có thể mở rộng những gì nước này có thể chào bán trái phép cho khách hàng khắp thế giới".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đối thoại, từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Những vụ thử tên lửa Bình Nhưỡng tiến hành gần đây đều là khí tài tầm ngắn, không phải tên lửa xuyên lục địa có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chúng là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực phát triển những phương thức ngày càng hiện đại, phức tạp hơn để cải thiện năng lực tên lửa, có thể đe dọa các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Theo Huệ Bình/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-phong-vat-the-bay-khong-xac-dinh-ve-phia-bien-nhat-ban-20220111071138311.htm