240
/
169804
Sẵn sàng ứng phó bão số 4
san-sang-ung-pho-bao-so-4
news

Sẵn sàng ứng phó bão số 4

Thứ 5, 19/09/2024 | 06:18:53
2,365 lượt xem

Mưa lớn kéo dài liên tục từ tối 17.9 đến cả ngày 18.9 khiến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ngập úng diện rộng. Bên cạnh đó, các địa phương đều chủ động lên phương án để ứng phó với bão số 4.

NGẬP ÚNG DIỆN RỘNG

Do thời tiết diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng thông báo cho học sinh toàn thành phố nghỉ học chiều 18.9 và cả ngày 19.9. Theo đại diện UBND Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn quận có một số điểm ngập cục bộ trên các tuyến đường: Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Lê Duẩn…

Sẵn sàng ứng phó bão số 4- Ảnh 1.

Lốc xoáy khiến nhiều nhà dân ở xã Thịnh Lộc (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị tốc mái sáng 18.9. Ảnh: Tân Kỳ

Tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ rạng sáng 18.9 đã xảy ra mưa vừa trên diện rộng và kéo dài liên tục đến tối cùng ngày. Mưa lớn cũng khiến một số vùng trũng thấp ngập cục bộ. Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, nhiều nơi trong tỉnh có mưa rào, mưa to. Dự báo trong 24 - 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to. Từ đêm 18 - 20.9, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Cụ thể, đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 1 đến trên BĐ1; trên sông Thu Bồn ở mức dưới BĐ1; trên sông Tam Kỳ ở mức dưới BĐ1. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Tây Giang.

Sẵn sàng ứng phó bão số 4- Ảnh 2.

Lực lượng BĐBP Quảng Bình triển khai lực lượng về giúp dân chống bão. Ảnh: Thanh Lộc

Tại Quảng Trị, mưa lớn đã làm nhiều ngầm, tràn ở xã các miền núi A Bung, Tà Rụt, A Vao, A Ngo (H.Đakrông) ngập từ 0,3 - 0,5 m… Ngầm trên QL15D (đoạn qua H.Đakrông) cũng bị ngập, giao thông ngưng trệ. Các lực lượng quân đội và chính quyền địa phương đã tổ chức rào chắn, cắm chốt trực đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Trước đó, vào sáng cùng ngày, một trận lốc xoáy đã quét qua TT.Cửa Việt (H.Gio Linh). Tại Trường mầm non Cửa Việt nhiều cây cảnh trong khuôn viên trường bị quật ngã, gãy đổ, các tấm tôn, la phông lợp trần nhà bị rơi, gãy, rất may không có thiệt hại về người…

Ngày 18.9, nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế có mưa lớn, người dân đang chuẩn bị các phương án kê cao đồ đạc, mua lương thực dự trữ và đưa ô tô đến điểm cao trước nguy cơ xảy ra ngập lụt. Tại địa phương này, khoảng 5 giờ 30 cùng ngày, một cơn lốc xoáy đã làm 7 hộ dân trên địa bàn xã Phú Hồ và 4 hộ dân tại xã Phú Xuân (H.Phú Vang) bị hư hại nhà cửa và khiến 1 người tại xã Phú Hồ bị thương. Trong ngày, chính quyền địa phương cùng lực lượng xung kích và người dân đã tiến hành sửa chữa khắc phục, gia cố lại nhà cửa để tránh trú bão số 4.

LẬP NHIỀU PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó, có 2 hồ không được phép tích nước trong thời điểm này là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ.

Sẵn sàng ứng phó bão số 4- Ảnh 3.

Lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Bình thông báo các tàu thuyền vào bến phải neo đậu kỹ càng. Ảnh: Thanh Lộc

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình đề nghị UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng khu vực, điểm sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm có các tổ, nhóm xung kích ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình, các đơn vị đã triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân phòng, chống và ứng phó.

Với diễn biến của mưa bão, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Cơ quan chức năng cũng đã triển khai di chuyển tất cả các khách du lịch tại đảo Cồn Cỏ vào đất liền an toàn. Ngoài ra, tỉnh này lên phương án sơ tán dân tùy theo tình hình thực tế ở các vùng trực tiếp bão, vùng ngập sâu các lưu vực sông, vùng lũ quét Hướng Hóa, Đakrông, vùng sụt lún, sạt lở đất ở Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, vùng ngập cục bộ…

Trước tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương chủ động các phương án, đồng thời kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong ngày 18.9, việc sơ tán người dân tại các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở như xã Lộc Tiến (H.Phú Lộc), xã Bình Tiến (TX.Hương Trà) được triển khai gấp rút và quyết liệt.

Ngày 18.9, Thành ủy Đà Nẵng phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức 7 đoàn kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai (bão số 4) tại các địa phương trên địa bàn. Các đoàn tổ chức kiểm tra công tác khơi thông, nạo vét kênh mương, cống rãnh và hệ thống thoát nước, dọn vệ sinh môi trường; việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh; bảo vệ trụ sở, cơ quan, nhà ở, tài sản của người dân; phương án sơ tán người dân ứng với từng kịch bản thiên tai tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu vực nhà ở không đảm bảo an toàn; các khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, bị cô lập; công tác đảm bảo các lực lượng, điều kiện, phương tiện thực hiện.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường, TP.Đà Nẵng sẵn sàng các hoạt động sơ tán người dân, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo tài sản; tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá… không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm. TP nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thủy sản.

Dưới cơn mưa lớn kéo dài liên tục trưa 18.9, ngư dân ở TP.Đà Nẵng hối hả, dầm mưa thuê xe cẩu đưa hàng trăm chiếc thuyền, thúng lên bờ để chằng néo trước khi bão số 4 đổ bộ. Ghi nhận của PV Thanh Niên, tại cầu cảng Thọ Quang (Q.Sơn Trà) có rất đông ngư dân tập trung, thuê xe tải cẩu thuyền thúng lên bờ để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho hay để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, lực lượng chức năng đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An). Ngoài ra, các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai đã được ban hành. Riêng với các di tích thì có các phương án chằng chống, bảo vệ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng đã ban hành công điện chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Trong đó, yêu cầu tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển. Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân…

SẴN SÀNG PHƯƠNG ÁN DI DỜI

Cũng trong ngày 18.9, chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động lên phương án sơ tán, di dời người dân.

Sẵn sàng ứng phó bão số 4- Ảnh 4.

Lực lượng BĐBP Quảng Trị hỗ trợ người dân vùng ven biển trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Thanh Lộc

Ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho biết trên địa bàn huyện hiện có 474 hộ với 1.607 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và 296 hộ với 997 nhân khẩu trong vùng nguy cơ xảy ra lũ quét. "Đến nay, tất cả các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét đều đã được rà soát. Chúng tôi cũng đã nắm bắt số lượng, lấy số điện thoại của từng hộ dân, bố trí khu vực sơ tán và sẵn sàng phương tiện để di dời người dân khi có tình huống phức tạp về thời tiết", ông Hòa nói.

Còn tại H.Thạch Hà (Hà Tĩnh), địa phương này cũng đã lên phương án di dời các hộ dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới (thuộc thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, H.Thạch Hà) đang có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND H.Thạch Hà, đoàn công tác của huyện này cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo UBND xã Đỉnh Bàn chủ động phương án để di dời các hộ dân sinh sống ở thôn Tân Phong có nhà cửa nằm vùng nguy cơ sạt lở đất cao về nơi tránh trú an toàn.

Ông Trần Đức Thịnh, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cho hay trên địa bàn tỉnh hiện có 1.122 hộ dân với 3.920 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét và 1.254 hộ với 4.366 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, sạt lở ven sông. Trước dự báo mưa lớn do bão số 4 gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.

Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 17.9 đến rạng sáng 18.9, tỉnh Hà Tĩnh có mưa lớn cục bộ kèm theo gió thổi mạnh. Đặc biệt, trận lốc xoáy xảy ra vào rạng sáng 18.9 ở xã Cẩm Dương (H.Cẩm Xuyên), xã Thịnh Lộc (H.Lộc Hà) và xã Quang Lộc (H.Can Lộc, cùng tỉnh Hà Tĩnh) đã khiến hơn 10 nhà dân, công trình phụ, mái che bị tốc mái và nhiều cột điện, cây cối bị gãy đổ. Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền ở các địa phương này đã huy động lực lượng tại chỗ nhanh chóng khắc phục, lợp lại nhà cửa, mái che và các công trình hư hại khác giúp các hộ dân ổn định tình hình.

Tại Thanh Hóa, ngày 18.9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện trong tỉnh triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, vùng ven biển. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng người dân là trên hết, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân và của Nhà nước.

Hiện tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm dễ bị ảnh hưởng nếu mưa lớn, kéo dài, đặc biệt là nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều, sạt lở, xâm thực biển khi có thiên tai xảy ra. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua khiến cho khoảng 250 m đê tả sông Hoạt (qua địa bàn xã Hà Bắc, H.Hà Trung), bị rò nước từ lòng sông ra ngoài đê, đe dọa an toàn đê, an toàn tính mạng, tài sản người dân. Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, khoảng 60 m mặt đường QL15C (đoạn qua xã Pù Nhi, H.Mường Lát) bị sụt lún, sạt lở ảnh hưởng giao thông, gây hư hỏng nhà dân (phía ta luy âm), nguy cơ mất an toàn tính mạng người dân, buộc Bộ GTVT phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông…

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn có hàng trăm vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét (chủ yếu trên địa bàn 11 huyện miền núi). Trường hợp xảy ra tình huống thiên tai xấu, tỉnh này sẽ có khoảng hơn 100.000 hộ với hơn 400.000 người dân phải sơ tán để đảm bảo an toàn.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/san-sang-ung-pho-bao-so-4-18524091823185159.htm

  • Từ khóa

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn ứng phó dịch cúm tại Bình Định

Ngay sau khi ghi nhận 4 ca tử vong tại Bình Định do cúm, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ đã họp trực tuyến khẩn với ngành y tế tỉnh Bình Định.
09:01 - 05/12/2024
14 lượt xem

Kiểm soát chặt nguồn gốc trái cây nhập khẩu

Hiện nay trái cây nhập khẩu không chỉ được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu, mà còn được bày bán tại các...
08:39 - 05/12/2024
14 lượt xem

Bí thư Hà Nội kỳ vọng Tô Lịch sẽ thành 'dòng sông thơ mộng'

Bí thư Thành ủy Hà Nội kỳ vọng đến tháng 9.2025, Tô Lịch sẽ trở thành dòng sông thơ mộng, nước không còn màu đen.
19:52 - 04/12/2024
342 lượt xem

42 tác phẩm xuất sắc sẽ được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về ‘tam nông’ năm 2024

Sau 4 tháng phát động và nhận được gần 1.950 tác phẩm hợp lệ tham dự, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần...
15:35 - 04/12/2024
446 lượt xem

Lật tẩy chiêu trò "thổi giá" trong đấu giá đất

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiều chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các địa phương tổ chức đấu giá đất...
12:57 - 04/12/2024
497 lượt xem