Các cơ quan dịch vụ công ở Canada đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều nhân viên phải nghỉ cùng lúc do nhiễm hoặc tiếp xúc với ca COVID-19. Mảng y tế có dấu hiệu kiệt sức vì chống dịch thời gian dài.
Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Mount Sinai ở Toronto, tỉnh/bang Ontario, Canada ngày 3-1 - Ảnh: REUTERS
Tính đến ngày 10-1, chính quyền thành phố Toronto cho biết khoảng 12,8% nhân viên "các dịch vụ thiết yếu và quan trọng" của họ phải nghỉ do COVID-19. Các cơ quan này phải cắt giảm dịch vụ, sắp xếp lại nhân viên và cảnh báo người dân về khả năng gián đoạn dịch vụ.
Theo Hãng tin Reuters, cuối tuần qua, các nhân viên y tế ở Toronto, thành phố lớn nhất của Canada, cho biết có một thời gian ngắn họ không có xe cấp cứu để hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp.
Ông Brad Ross, người phát ngôn thành phố Toronto, giải thích rằng việc thiếu xe cấp cứu vào một thời điểm bất kỳ không phải là vấn đề bất thường. Nhưng tình trạng người lao động không thể đi làm việc do COVID-19, khiến các bệnh viện không thể cấp cứu bệnh nhân kịp thời đang phổ biến hơn.
Ông cho biết các cuộc gọi có mức độ ưu tiên thấp có thể bị chậm xử lý và một số được gửi đến sở cứu hỏa để được hỗ trợ.
Ông Mike Merriman, chủ tịch nghiệp đoàn nhân viên y tế, cho biết khoảng 10% trong số 1.400 nhân viên y tế của thành phố Toronto phải nghỉ việc vì COVID-19. Những người còn lại đang làm việc đang trong trạng thái "bị mất tinh thần và kiệt sức".
"Nếu trước đây trong đại dịch, họ có thể chấp nhận làm thêm giờ thì hiện nay, họ thậm chí gần như không thể làm nổi ca trực của mình", ông nói.
Ngoài ra, có khoảng 200 nhân viên y tế của thành phố là nhân viên bán thời gian và không được trả tiền lương khi nghỉ ốm. Ông Merriman cho rằng điều này có thể là áp lực buộc họ phải làm việc ngay cả khi ốm đau.
Như nhiều nước trên thế giới, Canada trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Omicron lây lan nhanh gây ra. Đầu tháng 1-2022, Canada có kỷ lục mới về số người nhập viện do COVID-19 trong một ngày, với hơn 4.100 người trên cả nước.
Không chỉ ngành y tế, nhà điều hành vận tải Metrolinx ở Ontario cho biết họ phải cắt giảm 15% dịch vụ 20-30% nhân viên nghỉ làm do COVID-19.
Khoảng 9% nhân viên cảnh sát ở Winnipeg cũng xin nghỉ ốm do COVID-19 buộc sở cảnh sát phải điều động nhân lực từ các bộ phận khác, như phòng chống tội phạm sang làm nhiệm vụ tuần tra trên đường phố.
Thành phố Halifax thậm chí còn phải hủy dịch vụ xe buýt và phà do thiếu nhân viên vì COVID-19.
Ngày 10-1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo công dân không nên đi du lịch đến nước láng giềng Canada do số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng tại quốc gia này. CDC cảnh báo cấp độ dịch của Canada là "Cấp độ Bốn: mức rất cao".
Theo Hồng Vân/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/dich-covid-19-de-bep-dich-vu-cong-o-canada-20220111060911319.htm