Ngày 27/4 vừa qua, tại phía đông điện Thái Hoà, Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty TNHH IV COM tổ chức lễ khai trương Trung tâm Thông tin Diễn giải lịch sử Hoàng thành Huế và trải nghiệm thực tế ảo VR - Đi tìm hoàng cung đã mất (Trung tâm VR).
Trải nghiệm du lịch thời 4.0
Theo ông ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trung tâm là nơi cung cấp thông tin cho du khách khi tham quan Đại nội Huế và trải nghiệm dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo VR theo chủ đề về Hoàng cung Huế xưa. Người dùng có thể xâm nhập vào trò chơi trực tuyến bằng không gian ảo và trải nghiệm dịch vụ tương tác mô phỏng thực tế tại Hoàng cung Huế.
Ông Nguyễn Dung (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngồi giữa) đang ngồi trên phi thuyền để trải nghiệm du lịch thực tế ảo. Ảnh: Nhật Tuấn
Sử dụng công nghệ VR (Virtual Reality - Thực tế ảo) là công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất hiện nay, Trung tâm là địa điểm thứ 3 trên thế giới cung cấp sự trải nghiệm cho du khách bằng công nghệ hiện đại này.
Đây là hình thức trải nghiệm du lịch mới lạ, phù hợp với xu hướng sử dụng công nghệ cao trong ngành du lịch thế giới hiện nay, và tạo cảm xúc cho du khách bằng cách tái tạo một cách hoàn hảo các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bằng công nghệ VR.
Trung tâm là địa điểm thứ 3 trên thế giới cung cấp sự trải nghiệm cho du khách bằng công nghệ hiện đại này. Ảnh: Nhật Tuấn
Trung tâm là địa điểm thứ 3 trên thế giới cung cấp sự trải nghiệm cho du khách bằng công nghệ hiện đại này. Ảnh: Nhật Tuấn
Tính hấp dẫn và mới lạ của loại hình dịch vụ này là tạo ra một thế giới hiện thực ảo và tái hiện một cách đầy đủ, rõ nét và sinh động hình ảnh của các công trình di tích đã mất hay vẫn đang còn và những câu chuyện văn hóa, lịch sử thú vị của Cố đô Huế.
Dự án cũng đã scan laser toàn bộ các công trình di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế nhằm số hóa và lưu trữ dữ liệu các công trình kiến trúc phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, trùng tu di tích Huế.
Du khách cùng nhau “Đi tìm hoàng cung đã mất”
Đến nơi này, du khách sẽ có cơ hội du hành vượt thời gian tìm về Hoàng cung Huế 200 năm về trước thông qua các dịch vụ mô phỏng.
Du khách hào hứng "đi tìm Hoàng cung đã mất". Ảnh: Nhật Tuấn
Chẳng hạn với dịch vụ VR Phi Thuyền (Simulator), du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp uy nghiêm đầy tráng lệ của Hoàng cung Huế bằng mô hình phi thuyền VR từ trên cao và có thể nhìn thấy mọi ngõ ngách của Hoàng cung; VR Hải đăng (Beacon) giúp trải nghiệm ảo giác hết sức bí ẩn và đầy bất ngờ bằng cách lắp đặt những cột hải đăng tín hiệu ở những công trình đã mất, thông qua thiết bị VR giúp du khách nắm được những thông tin đơn giản và nhìn thấy những công trình trong quá khứ.
Dịch vụ VR Kính Viễn Vọng (Telescope) tái hiện lại toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt, cảm nhận từng hơi thở của không gian xưa; VR Máy chạy bộ (Treadmills) giúp du khách tự do đi lại trải nghiệm khắp Hoàng cung thông qua không gian ảo máy chạy bộ tại chỗ; VR Media Facade là bữa tiệc thị giác bằng hình ảnh hiện đại và ánh sáng đầy màu sắc hội tụ giữa kỹ thuật tiên tiến và di sản văn hóa…
Ngoài ra, các chương trình biểu diễn đẳng cấp như rừng ánh sáng, chương trình biểu diễn nhạc nước, holograms sẽ được giới thiệu trong các năm tiếp theo nhằm tạo thêm những nét mới hấp dẫn, kích cầu phát triển dịch vụ và tạo điểm nhấn mới cho loại hình dịch vụ và du lịch Huế.
“Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra một sản phẩm dịch vụ du lịch mới riêng của Huế, được tổ chức phục vụ du khách thường xuyên để cung cấp thêm các thông tin, dịch vụ giải trí đặc sắc thông qua công nghệ thực tế ảo đột phá hàng đầu tại Việt Nam”, ông Hải cho biết thêm.
Theo Nhã Phương/VTC New