Từng là "mỏ" đào Bitcoin của thế giới, Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách vào năm 2021 rồi để vuột mất ngôi vương vào tay Mỹ.
Tháng 8.2012, một doanh nhân trẻ người Trung Quốc tên Jiang Xinyu đăng trên diễn đàn trực tuyến BitcoinTalk kêu gọi mọi người góp vốn mở công ty sản xuất phần cứng chuyên dụng để khai thác Bitcoin. Cổ tức được trả dựa trên thu nhập.
Jiang Xinyu được biết đến trên diễn đàn với biệt danh Friedcat. Doanh nhân Trung Quốc này cũng là một trong những người tiên phong trên thế giới thúc đẩy ý tưởng thành lập các công ty chuyên khai thác Bitcoin, tương tự ASICMiner. Tên công ty sau này trở thành khái niệm phổ biến trong cộng đồng khai thác tiền số, chỉ việc sử dụng máy móc chuyên dụng để "đào Bitcoin".
Cuối cùng, Jiang Xinyu bị cáo buộc gian lận khi không thanh toán hoặc giao các cỗ máy chuyên dụng cho đối tác. Công ty phá sản vào năm 2015, Jiang biến mất khỏi cộng đồng, tuy nhiên ý tưởng "đào Bitcoin" bằng những cỗ máy chuyên dụng vẫn tồn tại. Nó thậm chí làm hoạt động khai thác tiền số ở Trung Quốc bùng nổ. Nơi đây từng được xem là "xưởng đào Bitcoin của thế giới", với số lượng "trang trại" rộng khắp về cả quy mô và số lượng.
Đây là tiền đề để Trung Quốc trở thành "mỏ" đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Lợi thế về giá điện, than rẻ, thời tiết ôn hòa, ít ảnh hưởng bởi thiên tai khiến các công ty khai thác tiền số lớn của thế giới cùng tập trung về. Nghiên cứu của Trung tâm Cambridge về Tài chính Thay thế (CCAF), công bố năm 2021, cho thấy 70% năng lực khai thác (hashrate) của mạng lưới Bitcoin đang nằm tại Trung Quốc. Khu tự trị Nội Mông từng chiếm 8% hashrate toàn cầu, trước khi chính quyền địa phương thông báo sẽ truy quét và giải tán các mỏ đào Bitcoin vào tháng 3.2021.
Minh họa ngành công nghiệp Bitcoin chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ
Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc thay đổi chính sách, tiến hành truy quét ráo riết các mỏ đào Bitcoin. Từ thiên đường, nơi đây trở thành cơn ác mộng của thợ đào. Hàng triệu máy khai thác phải phủ bạt, "đắp chiếu". Các công ty tìm cách tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Mỹ trở thành miền đất hứa của các thợ đào. Theo CNBC, sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp cứng rắn, nhiều bang ở Mỹ đã có nhiều động thái thu hút thợ đào Bitcoin, nhất là ở New York, Kentucky, Georgia và Texas.
Trong khi New York có lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, khí hậu lạnh phù hợp với việc đặt các giàn khai thác Bitcoin, bang Kentucky và Georgia lại ra luật ủng hộ ngành công nghiệp này, trong đó có chính sách miễn thuế đất. Thống đốc Greg Abbott của Texas từng tuyên bố bang này cần "dẫn đầu ngành tiền số như thời đào vàng".
Giới chuyên gia nhận định, khả năng thay đổi chính sách quản lý tại Trung Quốc khiến nước này khó thu hút doanh nghiệp mới đầu tư vào ngành khai thác tiền số. Mỹ lại có lợi thế nhờ các chính sách chậm thay đổi và dễ đoán hơn.
Kết quả của cuộc dịch chuyển này là các xưởng đào Bitcoin chuyển dần từ Trung Quốc sang Mỹ. Nhưng ngôi vương Bitcoin không chỉ nằm ở số lượng xưởng khai thác. Bối cảnh ngành công nghiệp tiền số đang có nhiều biến động mạnh khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Giá Bitcoin tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi ông Trump công bố loạt nhân sự mới trong chính quyền, được cho là có chính sách thân thiện với tiền số.
Trong khi Mỹ đang lên kế hoạch để trở thành "siêu cường Bitcoin", Trung Quốc vẫn giữ quan điểm chặt chẽ về khai thác, giao dịch tiền số. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách Trung Quốc đã đánh mất vị thế Bitcoin của mình và làm thế nào để giành lại được tầm ảnh hưởng trong ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này.
Theo Thiên Trường/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/trung-quoc-vuot-mat-ngoi-vuong-bitcoin-vao-tay-my-nhu-the-nao-185241203115307886.htm