Michael Burgess, người đã đặt câu hỏi cho Zuckerberg trong buổi điều trần thừa nhận bản thân có sự am hiểu về công nghệ rất thấp.
Theo CNBC, nghị sĩ Quốc hội Mỹ Michael Burgess, người từng đặt câu hỏi cho ông chủ Facebook trong phiên điều trần hôm qua đã phản hồi trước các lập luận trên báo chí phê bình rằng các nhà lập pháp không biết nhiều về công nghệ,
Chính trị gia 67 tuổi này cho biết: "Tôi không muốn nói về phần còn lại của Ủy ban, nhưng tôi sẽ là người đầu tiên thú nhận rằng mức độ hiểu biết về công nghệ của mình có lẽ thấp hơn đáng kể so với những đứa trẻ 12 tuổi bình thường".
Nghị sĩ Quốc hội Mỹ Michael Burgess.
Burgess là thành viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại, thừa nhận bản thân giống như nhiều người dùng khác không quan tâm quá nhiều đến các điều khoản dịch vụ của Facebook, thứ mà ông đã nhấp chuột chọn đồng ý. "Tôi giống như bất kỳ người dùng nào khác, tải ứng dụng xuống và rồi dùng nó mà không cần lý do. Tôi không muốn đọc tất cả các điều luật này".
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng bản thân hy vọng các buổi điều trần của Zuckerberg sẽ làm cho người dùng nhận thức rõ hơn về "những gì họ chia sẻ một cách chính xác".
Michael Wolf, CEO kiêm đồng sáng lập công ty tư vấn công nghệ Activate cho biết: "Vấn đề là các thượng nghị sĩ, trong rất nhiều trường hợp, không chuẩn bị cho các câu hỏi của mình. Điều đó khiến cho Zuckerberg có thể dẫn dắt theo các luận điểm của anh ta".
Mark Zuckerberg đã tham gia hai phiên điều trần tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Những điểm nổi bật từ phiên điều trần hôm 11/4 bao gồm việc Zuckerberg nói rằng ông sẽ cởi mở tiếp nhận các quy định mới của chính phủ; cho biết gần đây số lượng người dùng Facebook không có sự sụt giảm nghiêm trọng; và Facebook đã không thông báo cho Ủy ban Thương mại Liên bang về tình trạng lạm dụng dữ liệu.
Năm 2011, Facebook đã đồng ý với Ủy ban này để giải quyết các cáo buộc lừa đảo người dùng bằng cách nói với họ rằng nền tảng lưu giữ thông tin của họ một cách riêng tư. Nhưng sau đó đã cho phép chia sẻ và công bố các dữ liệu đó, theo điều tra của Ủy ban. Với mỗi vụ vi phạm, cáo buộc yêu cầu Facebook phải chịu phạt 40.000 USD.
Tuy nhiên, Facebook đã bác bỏ việc bản thân đã vi phạm thỏa thuận với Ủy ban Thương mại Liên bang. Zuckerberg nói với các thượng nghị sĩ, "Chúng tôi coi đó là một vụ khép kín và đấy là một sai lầm. Chúng tôi đáng ra không nên tin họ".
Theo Mai Anh/VnExpress