Khi sở hữu một smartphone mới, cảm giác phấn khích với các tính năng mới, bộ nhớ trong rộng lớn và màn hình gọn gàng là điều mà nhiều người nghĩ đến.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người dùng sẽ làm gì với chiếc smartphone cũ mà mình đã gắn bó trong suốt 2 năm hoặc hơn? Mọi thứ bắt nguồn từ việc người dùng thường ngần ngại bỏ điện thoại cũ vì luôn lo lắng về khả năng xảy ra sự cố với chiếc điện thoại mới.
Khảo sát từ một số người dùng cho biết họ vẫn để lại iPhone 12 cũ ngay cả sau khi đã mua iPhone 16 mới ra mắt của Apple. Một số người cũng sẵn sàng trao iPhone cũ cho người thân, bên cạnh việc lưu trữ những chiếc còn lại. Điều này cũng được áp dụng không chỉ với iPhone mà cả iPad hoặc Apple Watch cũ.
Nhiều người vẫn giữ smartphone cũ sau khi mua sản phẩm mới ẢNH: REUTERS
Gần 70% người quyết định giữ lại smartphone cũ
Các khảo sát gần đây cho thấy, gần 70% người dùng vẫn quyết định giữ lại smartphone cũ mà không bán đi. Trong số này, hơn 77% người dùng smartphone cho biết giá trị bán lại của điện thoại cũ không được họ xem xét và 18% không tin tưởng vào giá trị của những chiếc smartphone cũ ngay cả khi giá của chúng vẫn cao.
Việc nhiều người dùng không bán smartphone cũ khiến giá trị của chúng càng tăng cao do thiếu nguồn cung. Rõ ràng, tâm lý của nhiều người thường tập trung vào việc sẽ không có chuyện từ bỏ một chiếc smartphone vẫn đang hoạt động tốt.
Để khuyến khích người tiêu dùng mua smartphone mới, các công ty thường đưa ra những con số hấp dẫn về mức chiết khấu khi đổi máy. Năm ngoái, thị trường smartphone đã qua sử dụng tại Mỹ đạt khoảng 8,67 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong 7 năm tới. Đặc biệt, iPhone được biết đến với khả năng giữ giá tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy thay vì giá trị bán lại, chính sự thiếu hiểu biết về quy trình bán lại và mối quan tâm về quyền riêng tư khiến người dùng giữ lại smartphone cũ. Các công ty cần giáo dục người tiêu dùng về những vấn đề này để thúc đẩy thị trường đã qua sử dụng.
Một lý do khác khiến người dùng không muốn bán smartphone cũ là sự bất tiện. Nếu mua điện thoại tại cửa hàng, việc từ bỏ nó có thể dễ dàng hơn. Nhưng nếu mua trực tuyến, người dùng sẽ phải đến cửa hàng để trả lại hoặc gửi qua bưu điện để được hoàn lại tiền.
Theo Kiến Văn/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/ly-do-khien-nguoi-dung-khong-muon-ban-smartphone-cu-185241201223318998.htm