'Nhiều phụ huynh có con tự kỷ, chậm phát triển cầu xin nhà trường hãy nhận con em họ nhưng chúng tôi không biết làm cách nào vì không có giáo viên'.
Nữ phó giám đốc một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại TP.HCM chia sẻ như vậy và cho biết trong năm 2024 trung tâm đã có nhiều giáo viên (GV) nghỉ việc.
GV CŨ XIN CHUYỂN ĐI, NGƯỜI MỚI KHÓ TUYỂN
Phó giám đốc này cũng cho biết trước đây khi còn áp dụng Thông tư liên tịch 58 của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH trong quản lý các trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập (gọi tắt là trung tâm) thì trung tâm luôn dư GV. Còn từ khi áp dụng Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT (Thông tư 20) về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ 20.2.2023), trung tâm rơi vào cảnh thiếu GV, khó tuyển GV.
"Một lớp tối đa 12 học sinh (HS), từ 1 đến 3 GV hoặc nhân viên hỗ trợ, nhân viên là cử nhân tâm lý hay công tác xã hội đã qua đào tạo chứng chỉ giáo dục đặc biệt. Nhưng do không tuyển đủ được GV, thì không thể nhận thêm HS. Nhiều phụ huynh có con tự kỷ, chậm phát triển cầu xin nhà trường hãy nhận con em họ, nhưng chúng tôi không biết làm cách nào", cô này chia sẻ.
Học sinh trong giờ can thiệp 1-1, giờ học nhóm tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nhân Văn (TP.HCM)
Cô cũng cho hay hiện nay cạnh tranh nhân sự trong ngành giáo dục đặc biệt rất gay gắt; nhiều đơn vị trả lương rất cao, chế độ đãi ngộ đặc thù để thu hút GV. Còn những trung tâm tư thục, lập ra với mục tiêu phi lợi nhuận, thu đủ bù chi nên nếu dùng lương để thu hút GV thì cạnh tranh không nổi với nhiều đơn vị khác.
Để đáp ứng đúng quy định về chuẩn đào tạo GV trong Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT, thời gian qua, nhiều nhân sự của trung tâm này đã và đang đăng ký đi học nâng chuẩn sư phạm của các trường cao đẳng, đại học. Trung tâm hỗ trợ 100% học phí học kỳ đầu tiên cho các GV đăng ký đi học và không yêu cầu GV cam kết phải công tác tại trung tâm sau khi học xong.
Quản lý một trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập khác tại TP.HCM với sĩ số khoảng 100 trẻ tự kỷ, chậm phát triển, cho biết vừa qua trung tâm chấm dứt hợp đồng lao động ở 2 cơ sở với hơn 20 GV - nhân viên vì chưa đáp ứng chuẩn đào tạo. Ít GV nên từ khai giảng đến nay, trung tâm không thu nhận HS, dù nhu cầu của phụ huynh rất lớn. Để đáp ứng đúng chuẩn quy định trong Thông tư 20, hiện khoảng 20 nhân sự tại trung tâm đang đi học cao đẳng sư phạm mầm non, liên thông đại học, ngành sư phạm tiểu học hoặc văn bằng 2 của ngành giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
QUY ĐỊNH ĐÚNG NHƯNG CẦN LINH HOẠT
Ông Hoàng Hà, Giám đốc và đồng sáng lập Công ty cổ phần Viện tâm lý giáo dục Hanamiki, cho rằng Thông tư 20 là quy định phù hợp nhằm nâng cao chất lượng GV trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Ông chia sẻ: "Giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục trẻ khuyết tật, không cho phép có sai sót. Nếu GV thiếu chuyên môn hoặc không đủ đạo đức nghề nghiệp, hậu quả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ suốt đời". Vì vậy, GV cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trình độ, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Những nhân sự chưa đủ điều kiện có thể đảm nhận vai trò nhân viên can thiệp cá nhân và cần bổ sung kiến thức, kỹ năng nếu muốn trở thành GV chính thức.
Bà Lê Thị Xinh, làm việc tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nhân Văn (TP.HCM), cho rằng Thông tư 20 là hợp lý; tuy nhiên nên giãn thêm một thời gian để Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, các trường đại học có thể hỗ trợ GV các ngành tâm lý, công tác xã hội được đào tạo học văn bằng 2 ngành giáo dục đặc biệt. Các trung tâm cũng có thời gian chuẩn bị nhân lực, giảm áp lực phụ huynh không thể gửi con em do trường không đủ GV theo quy định.
Theo bà Xinh, tình hình chung tại Trung tâm Nhân Văn cũng như các cơ sở khác là tỷ lệ cử nhân ngành tâm lý, công tác xã hội nộp đơn làm việc nhiều hơn ngành giáo dục đặc biệt. Trung tâm cũng có các nhân viên đầy đủ văn bằng tâm lý, chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập đang mong muốn có sửa đổi về các điều kiện đi học để có thể học thêm văn bằng 2 ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Lựa chọn hiện tại của họ là đi học cao đẳng mầm non, hoặc học văn bằng 2 sư phạm tiểu học, hoặc sư phạm trung học từ một trường nào đó để đáp ứng chuẩn đào tạo đưa ra. Việc này phát sinh ra 2 vấn đề: Lo lắng quy định có thể thay đổi trong tương lai; và đi đường vòng như vậy sẽ hao phí nguồn lực xã hội một cách không cần thiết.
Có nhiều GV đã làm việc lâu năm tại trung tâm, đã tham gia nhiều khóa đào tạo, họ nên được tạo điều kiện để bổ sung các chứng chỉ hòa nhập, và nếu cần thì đi học thêm các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn (3 - 6 tháng) về chuyên môn của Trường đại học Sư phạm hay Sở GD-ĐT để vừa đủ chuẩn làm GV chuyên biệt vừa đảm bảo việc dạy học trung tâm không bị gián đoạn và phụ huynh cũng yên tâm làm việc không rơi vào tình trạng phải tìm trường mới cho con.
Cô Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, cho hay theo Thông tư 20, việc yêu cầu nhân viên ngành khác phải học chứng chỉ về giáo dục đặc biệt là hợp lý. Nhưng nếu các nhân viên, GV đã được đào tạo chuyên sâu về các chuyên môn khác như âm ngữ trị liệu, tâm lý giáo dục, phục hồi chức năng của các trường hoặc các tổ chức khác, thì ngành giáo dục nên công nhận bằng cấp, chứng chỉ đó, không bắt buộc tất cả phải học chứng chỉ giáo dục đặc biệt. Vì điều này có thể chỉ là hình thức, không làm GV, nhân viên đó giỏi hơn.
Học sinh tự kỷ tại một trung tâm tham gia hoạt động giáo dục và trị liệu bằng cách làm vườn
MỞ RỘNG TRƯỜNG ĐH ĐÀO TẠO, TĂNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SINH VIÊN
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phụ huynh của 2 trẻ tự kỷ, cho biết trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển GV giáo dục đặc biệt, nhà nước cần mở rộng các trường được đào tạo ngành giáo dục đặc biệt. Đồng thời, cần phải thừa nhận giáo dục đặc biệt có môi trường làm việc đặc thù, từ khi học thì sinh viên đã phải đi thực tập thực hành vất vả, làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều áp lực hơn các ngành sư phạm khác. Do đó để khuyến khích sinh viên chọn học ngành giáo dục đặc biệt cần có những chiến lược lâu dài, ví dụ tăng chế độ hỗ trợ đãi ngộ, chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí cao hơn các ngành sư phạm khác…; sinh viên ngành này khi ra trường cũng cần được hỗ trợ bố trí việc làm, chế độ đãi ngộ tốt.
"Trong tôi từ lâu luôn ao ước chúng ta sẽ có một "ngôi làng tự kỷ", nơi học tập, sinh hoạt, làm việc của người tự kỷ, nơi người tự kỷ không bị lạm dụng, không bị gây tai nạn không đáng có, nơi đó rất nhiều chuyên gia tới chăm sóc, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tốt và các cơ sở đoàn thể tới vận động ủng hộ. Làm sao để có thêm thật nhiều người, nhà nước và nhân dân cùng tham gia đóng góp vào công cuộc chăm sóc, giáo dục trẻ em và người tự kỷ. Bởi người tự kỷ nói riêng, người khuyết tật nói chung rất tội nghiệp, hành trình cha mẹ đi theo các em cũng rất vất vả, nặng nề suốt một đời…", bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm bộc bạch.
Rất cần chính sách hỗ trợ từ nhà nước cho các đơn vị tư thục Tại hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và nêu phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với giáo dục đặc biệt của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong báo cáo, sở này kiến nghị Bộ GD-ĐT một số nội dung. Trong đó có nêu: "Việc thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục đem lại nhiều ý nghĩa xã hội nhân đạo giúp các em có thêm cơ hội đến trường, các trung tâm rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước cho các đơn vị tư thục vì tính chất xã hội thiện nguyện". Trong năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu nhiệm vụ "thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp giáo dục chuyên biệt và thực hiện công bằng trong giáo dục". |
Theo Thuý Hằng/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/thieu-giao-vien-day-tre-dac-biet-can-huong-thao-go-185241202184712392.htm