Hàng trăm nghìn ngôi làng trên khắp Trung Quốc đang tiếp cận với kỷ nguyên của việc giao dịch không dùng tiền mặt.
"WeChat Pay và Alipay không còn là điều mới lạ trong làng tôi", Fang Zhi, chủ một vườn cam cách thành phố Vũ Hán khoảng 200 km chia sẻ với SCMP. "Tôi tin hầu hết những người dưới 50 tuổi trong làng đã tải các ứng dụng này trên điện thoại di động của họ".
Người đàn ông 30 tuổi quản lý một khu vườn rộng 400 mét vuông này cho biết đã sử dụng WeChat Pay và Alipay trong việc mua phân bón và thuốc trừ sâu cũng như trả tiền điện và cước Internet.
"Những ứng dụng này rất dễ sử dụng. Ngay cả đứa con trai bốn tuổi của tôi cũng biết làm thế nào để quét mã QR khi mua đồ ăn vặt tại cửa hàng duy nhất trong làng", ông nói.
Mua hàng tại chợ qua mã QR tại Trung Quốc. Ảnh: EPA
Với 772 triệu người dùng trực tuyến cuối năm 2017, Trung Quốc có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất trên thế giới, hơn cả Ấn Độ và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập Internet chỉ 55,8%, thấp nhất trong số các nước G20.
Theo Wu Kun, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ali Research, mọi thứ sẽ sớm thay đổi thời gian tới nhờ thanh toán di động. Số liệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có số lần chi trả qua di động cao cấp nhiều lần các quốc gia khác. Và với khoảng 73% dân số thành thị đã kết nối trực tuyến, "chiến trường" đang dần chuyển sang các thành phố nhỏ và vùng nông thôn.
Cuối năm ngoái, khoảng 47% người sử dụng Internet ở nông thôn Trung Quốc đã sử dụng thanh toán di động, tăng từ 31,7% của một năm trước đó, theo số liệu của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc (CNNIC). Và giao dịch thanh toán di động trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi hơn 600.000 ngôi làng ở Trung Quốc đã tiếp cận với việc sử dụng các giao dịch không dùng tiền mặt.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Analysys International, WeChat Pay, do Tencent Holdings quản lý và Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Ant Financial Services, đã chiếm 93% thị trường thanh toán di động Trung Quốc.
Internet, thiết bị di động đang dần phổ cập tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc. Ảnh: Chinatechnews
Fang, ông chủ vườn cam nói trên cho biết việc phổ cập thanh toán điện tử này bắt đầu diễn ra hai năm trước, khi những người đến làng mua cam đã giới thiệu phương thức thanh toán số và sau đó tất cả mọi người đều vui vẻ với sự thay đổi này. Từ một nhóm nhỏ ban đầu, dần dần mọi người dân trong làng đã làm quen và sử dụng nó trong sinh hoạt hằng ngày.
Ông cho biết có một khu chợ bán hàng nằm cách ngôi làng khoảng hai km. Nơi này có rất nhiều các quầy hàng nhỏ, bán đủ các mặt hàng cần thiết cho dịp Tết Nguyên Đán như thịt bò, thịt lợn, rau, quần áo, giày dép, thậm chí cả pháo.
"Tôi đã không nhìn thấy nhiều thay đổi trong các sản phẩm bán ở đó trong hai năm qua, nhưng phương thức thanh toán đã thay đổi đáng kể", Fang nói. Và từ khi sử dụng mã QR để giao dịch, doanh số bán hàng trái cây của anh đã tăng đáng kể bởi rất nhiều người thích thú với cách trả tiền này. Bởi trên hết, không ai muốn lãng phí thời gian để đổi tiền, đặc biệt là trong thời tiết lạnh giá như hiện nay. Thay vào đó, mọi người sẽ bận rộn hơn với việc chọn hàng hoặc tranh luận về giá cả.
Tuy nhiên, cũng có những người cảm thấy bị bỏ lại trong xu hướng thanh toán mới này.
"Một số người già, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, không có điện thoại thông minh", Fang nói. "Một số không biết sử dụng điện thoại thông minh hay thực hiện các giao dịch kỹ thuật số, đặc biệt khi con cái họ đi làm ở các thành phố. Ông nội 75 tuổi của tôi thậm chí không biết thanh toán di động là gì".
Một số khác lo lắng về sự an toàn của các giao dịch này. Tuy nhiên, theo Fang thì "có rất nhiều người giàu sử dụng WeChat Pay và Alipay, vì vậy không nên lo lắng về sự an toàn của thanh toán di động".
Thanh toán tiền taxi qua QR code đã trở nên rất phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Hu Guizhi, một nông dân, lần đầu sở hữu smartphone năm ngoái. Rất nhanh sau đó, cô làm chủ được một kỹ năng có thể giúp mình tiết kiệm được rất nhiều lần việc di chuyển đến thị trấn. Đó là mua sắm và thanh toán trực tuyến.
"Bây giờ tôi gửi các gói hàng, mua sắm trực tuyến, nạp tiền điện thoại rồi thanh toán hóa đơn điện nước chỉ bằng một cú chạm", người nông dân 55 tuổi này cho hay. Trang trại của gia đình cô nằm ở một khu vực nhỏ, cách Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy iPhone lớn nhất thế giới khoảng 400 km. Mặc dù cách không quá xa nơi sản xuất hàng trăm nghìn chiếc iPhone mỗi ngày, nhưng khu vực nơi Hu sống, lại chỉ mới biết đến sự tiện lợi của Internet thời gian gần đây.
Đối với những người ở nông thôn như cô Hu, cách thanh toán bằng điện thoại thông minh thực sự quá mới mẻ. Nhưng nó đã nhanh chóng trở thành phương thức thanh toán được ưa thích và xuất hiện khắp nơi, từ siêu thị, nhà hàng, phòng khám cho tới cả những người bán hàng rong. Và Hu chỉ là một trong số 7,93 triệu người ở nông thôn Trung Quốc, đã gia nhập nhóm người sử dụng Internet mới trong năm ngoái.
Một người dùng smartphone trên phố tại Trung Quốc. Ảnh CFR
Hiện tại, Alibaba và đối thủ cạnh tranh chính của hãng trong lĩnh vực thương mại điện tử là JD cũng đang nỗ lực để xâm chiếm thị trường mầu mỡ và tiềm năng này.
Trong hàng ngàn ngôi làng và các khu vực nhỏ khắp Trung Quốc, từ năm 2014, Alibaba đã thiết lập các trung tâm để hỗ trợ kinh doanh trực tuyến cho người dân địa phương, cũng như cung cấp, phân phối các dịch vụ hỗ trợ khác để thu hút những người không có hiểu biết về mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, JD cũng đã nhanh chóng mở rộng lực lượng nhân viên tại các trung tâm dịch vụ của mình ở những vùng hẻo lánh.
Theo Mai Anh/VnExpress