Còn khoảng 3 tháng nữa, các doanh nghiệp viễn thông bắt buộc phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 49. Đây sẽ là đoạn kết cho thuê bao ảo, đẩy lùi nạn tin nhắn rác, tin nhắn spam hoành hành trong thời gian qua.
SIM rác, thuê bao ảo sắp đến hồi kết
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Theo khoản 5, Điều 15, thông tin thuê bao gồm số thuê bao, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam).
Đối với tổ chức, thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm: tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng).
Thông tin đăng kí còn có thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).
Đáng chú ý, Nghị định 49 của Chính phủ cũng quy định rõ, nếu giả mạo và sử dụng giấy tờ cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng thuê bao SIM sẽ bị phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đối với người dùng chuyển quyền sở hữu SIM mà không đăng kí lại thuê bao cũng bị phạt tương tự.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định.
Đây được xem là động thái cứng rắn của chính quyền trong việc đẩy lùi nạn tin nhắn rác, SIM rác, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng.
Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 của Thanh tra Bộ TT&TT cho biết đã thu hồi 24,3 triệu SIM rác trong năm 2017. Thanh tra Bộ cũng chia sẻ đã ban hành 53 quyết định, trong đó có 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt thu được là 1,622 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao, giảm 1,3%. Lý do giảm bởi các nhà mạng thực hiện thu hồi SIM rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dự báo số thuê bao sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới, đặc biệt là tháng 4/2018, sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực. Đồng thời, các nhà mạng cũng đang sắp triển khai dịch vụ Chuyển mạng giữ số trong năm nay, tỷ lệ thuê bao rời mạng trong thời gian đầu có khả năng gây biến động đến thị trường viễn thông Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, việc triển khai sớm dịch vụ sẽ giúp gia tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông, quản lý thuê bao tốt hơn và đẩy lùi lượng SIM rác, gây ảnh hưởng đến người dùng.
Theo Gia Hưng/Dân trí