Chỉ ít phút lướt TikTok để xem video, phụ nữ trẻ có thể gặp tổn thương tâm lý, tự tin về sức khỏe hình thể của mình.
Tạp chí khoa học Sciene Alert mới đây đăng tải nghiên cứu cho thấy công cụ mạng xã hội đang có tác động đáng kể tới người dùng. Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy chỉ khoảng 7 tới 8 phút lướt TikTok để xem video về ăn kiêng, giảm cân, tập thể dục cực đoan..., nhóm người dùng là phụ nữ dễ bị tổn thương tâm lý, tự có cái nhìn tiêu cực về bản thân mình và suy nghĩ tự ti.
Vẻ đẹp giả tạo đã trải qua các bộ lọc trang điểm có thể gây tổn thương tâm lý cho người xem Chụp màn hình
Các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, video đang bị lạm dụng trên mạng xã hội truyền đi những "giao diện" dễ bị hiểu thành tiêu chuẩn của cái đẹp, khác xa với thực tế, khiến nhận thức về ngoại hình nữ giới có thể bị méo mó. Người xem sẽ so sánh bản thân mình với "cái đẹp trên mạng" và phấn đấu để đạt được, bất chấp điều đó thiếu lành mạnh với sức khỏe cũng như tâm lý.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên một nhóm gần 300 tình nguyện viên nữ, độ tuổi từ 18 tới 28 và chia thành 2 nhóm với các thành viên ngẫu nhiên. Nhóm 1 được cho xem 7 - 8 phút nội dung cổ xúy thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, tình trạng biếng ăn trên TikTok mà ở đó, phụ nữ trẻ hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi ngày, thường xuyên đưa ra lời khuyên luyện tập hay mẹo ăn kiêng dù không phải là các chuyên gia về dinh dưỡng.
Nhóm 2 xem video với thời gian tương đương, nhưng hướng đến các nội dung khác như dạy nấu ăn, thiên nhiên, động vật...
Sau đó, họ phải trả lời bảng câu hỏi liên quan đến mức độ hài lòng về ngoại hình, quan điểm về các tiêu chuẩn "đẹp" trước và sau khi xem TikTok. Với cả hai nhóm, sự hài lòng về hình thể đều giảm, nhưng nhóm 1 có biểu hiện tự ti nhiều hơn. Đáng chú ý, các tình nguyện viên xuất hiện tình trạng "nội tâm hóa" vẻ đẹp, tức là họ đồng thuận với những tiêu chuẩn sắc đẹp do người khác đặt ra, bất chấp hợp lý hay không.
Một vấn đề khác được Sciene Alert chỉ ra ngoài vấn đề tổn thương tâm lý (thấy vẻ ngoài bản thân của mình là xấu, không khớp với "tiêu chuẩn về cái đẹp") là người dùng TikTok quá 2 tiếng mỗi ngày thường có hiện tượng rối loạn ăn uống - một bệnh có nguồn gốc tâm lý, biểu hiện bằng việc người bệnh tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, dẫn đến những tác hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Sự hài lòng về hình thể của người dùng mạng xã hội sẽ giảm đi sau khi trải nghiệm "vẻ đẹp" của người khác trên internet AFP
Các nhà khoa học cho rằng những video lan truyền, chia sẻ bừa bãi về hành vi ăn sạch, giải độc cơ thể trên mạng xã hội thực chất là những chế độ ăn uống hà khắc, thiếu khoa học, có phần cực đoan. Trong vài trường hợp, sự cực đoan này núp dưới vỏ bọc "tự chữa lành", một khái niệm trở nên phổ biến trên internet gần đây.
Không chỉ "đầu độc" người xem bằng những video hướng dẫn ăn uống, tập thể dục cực đoan, các nền tảng chia sẻ video trên internet còn dễ khiến người dùng tin và làm theo những video bày thủ pháp phẫu thuật thẩm mỹ, can thiệp bằng hóa chất vào cơ thể mà không tham vấn đội ngũ có chuyên môn.
Bằng sự hỗ trợ của các công cụ, bộ lọc (filter) giúp chỉnh sửa, làm thon gọn cơ thể, trắng da, đẹp dáng hoàn toàn tự động, những người xuất hiện trên clip bỗng trở thành "bằng chứng sống" cho một biện pháp làm đẹp nào đó, dù hình ảnh thực tế của họ khác xa hoàn toàn. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người ngoài đời thực khác quá xa so với sự xuất hiện ở các video trên TikTok đã "gây sốc" người khác. Những "vẻ đẹp" làm bằng công cụ làm đẹp này càng khiến người xem tin tưởng vào "tiêu chuẩn" được đặt ra trên không gian mạng, góp phần khắc sâu vào sự tự ti hình thể, tổn thương tâm lý.
Theo Anh Quân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/luot-tiktok-8-phut-co-the-gay-ton-thuong-tam-ly-185240822170445095.htm