Đức sẽ loại bỏ dần việc sử dụng các linh kiện từ các gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE trong mạng 5G của mình do lo ngại về an ninh quốc gia.
Đức lo ngại nguy cơ an ninh quốc gia khi sử dụng linh kiện của các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE trong mạng 5G của nước này - Ảnh: AFP
Động thái mới nhất của Đức ngày 11-7 diễn ra trong bối cảnh Berlin giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và tuân theo cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) rằng các công ty này gây rủi ro cho khối.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Nội vụ Đức cho biết các bộ phận của Huawei và ZTE sẽ không còn được sử dụng trong mạng di động 5G "cốt lõi" chậm nhất là vào cuối năm 2026. Đối với cơ sở hạ tầng truy cập và truyền dẫn 5G, hệ thống của các hãng viễn thông phải được thay thế vào cuối năm 2029.
"Chúng tôi đang bảo vệ 'hệ thống thần kinh trung ương' của Đức... và bảo vệ thông tin liên lạc của người dân, các công ty và nhà nước. Phải giảm thiểu rủi ro bảo mật và không giống như trước đây, tránh sự phụ thuộc một chiều", Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser giải thích, cho biết Trung Quốc đã được thông báo về lệnh cấm.
Theo bộ này, mạng 5G là một phần "cơ sở hạ tầng trọng yếu" của Đức và rất quan trọng đối với hoạt động của các lĩnh vực từ y tế đến giao thông và năng lượng. Ngoài ra, mạng viễn thông phải cần được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng, vốn có thể là một "mối đe dọa hiện hữu".
Để làm được điều này, các quan chức Đức đã đạt được thỏa thuận với các nhà mạng 5G của Đức như Deutsche Telekom, Vodafone và Telefonica về việc loại các linh kiện của các hãng Trung Quốc Huawei và ZTE.
Năm ngoái, một số nguồn tin chính phủ tiết lộ rằng Berlin đang xem xét động thái này nhưng sẽ lùi ngày công bố để các công ty có thời gian áp dụng các biện pháp mới.
Trước chiến sự Nga - Ukraine, Trung Quốc và Đức có mối quan hệ chặt chẽ khi các nhà sản xuất quan trọng của Đức, từ các công ty ô tô đến các nhà sản xuất máy công cụ, đều xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm sang nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nhưng kể từ khi nổ ra chiến sự năm 2022 và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó đã khiến nền kinh tế hàng đầu châu Âu phải "giảm thiểu rủi ro" bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Năm ngoái, Berlin đã công bố chiến lược quan hệ với Trung Quốc, trong đó họ tìm cách cân bằng giữa các lợi ích cạnh tranh với "đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống" là Trung Quốc.
Thời gian qua, các nước EU ngày càng cảnh giác với việc sử dụng công nghệ của Huawei hoặc các nhà cung cấp ngoài EU khác có thể không tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của EU. Ủy ban châu Âu năm ngoái đã gọi Huawei và ZTE là một rủi ro đối với khối và kêu gọi các quốc gia thành viên EU loại trừ thiết bị của các công ty này khỏi mạng di động của mình. Sau khi Anh hành động vào năm 2020, Thụy Điển trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu và là quốc gia đầu tiên ở EU cấm Huawei khỏi hầu hết tất cả cơ sở hạ tầng mạng vận hành mạng di động 5G của nước này. |
Theo Trần Phương/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/duc-loai-cac-hang-vien-thong-trung-quoc-khoi-mang-5g-20240711211232651.htm