Người đứng đầu Chính phủ xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Sáng nay (10/10) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Tại đó, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
"Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng cho biết. "Mục tiêu đó nhằm hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc".
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rằng thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện quan điểm xuyên suốt, là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng. Ngoài ra, cần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Từ đó, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan cần nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, tiêu biểu như dữ liệu số, hạ tầng số, an toàn thông tin, an ninh mạng và nhân lực
Mục tiêu là để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, đưa Việt Nam hướng về phía trước.
"Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần không bỏ lại ai phía sau, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chung tay lĩnh xướng, tiên phong phủ sóng và lưới điện tới mọi người dân trên toàn quốc, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững.
Từ đó đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về công tác chuyển đổi số quốc gia trong năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đề cao vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế đất nước. "Quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu, từ đó cho ra kết quả thiết thực. Năm 2023 cũng là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua công tác chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt dữ liệu số năm 2023, đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Tiêu biểu là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin.
Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Tính tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… cũng được thể hiện trong triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Từ đó góp phần xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thời gian qua.
"Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Tại đó, không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số".
Theo Nguyễn Nguyễn/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/thu-tuong-chuyen-doi-so-phai-uu-tien-chat-luong-hon-chay-theo-so-luong-20231010110356037.htm