Trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là công nghệ nền tảng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, có khả năng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, cạnh tranh quốc gia.
Trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu hiện nay. Việc ứng dụng công cụ mới này vào phục vụ cho tiện ích của đời sống hằng ngày, góp phần tăng tốc các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số trở thành một trong những trọng tâm được Việt Nam quan tâm.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất (diễn ra ngày 13 - 14.9 tại Nam Định), ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Tuy đến nay Việt Nam đã có những kết quả tích cực đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Trần Tuấn Anh (giữa, hàng trước) nghe giới thiệu về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng AI là một trong những nội dung mà các bộ, ban ngành, địa phương cả nước cần quan tâm triển khai trong thời gian tới nhằm có được những cách tiếp cận, giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
"Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo đang là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp, tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia", ông Trần Tuấn Anh nói.
Phát biểu tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn khẳng định: "Việc khai thác sức mạnh của AI sẽ giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số. Trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp với trí tuệ thực để giải quyết những vấn đề, thách thức mà trước đây sức người chưa thể hoàn thiện được".
Tuy nhiên, Vụ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng tốc phải đi kèm với các phương án phát triển bền vững. Trong đó, khi nói tới AI phải tính đến các phương án bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư để có được hướng đi đúng đắn, ngăn kẻ xấu lợi dụng AI để tạo ra các nội dung giả mạo, lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.
Theo ước tính và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% vào năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. |
Theo Anh Quân/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ai-la-cong-nghe-dan-dat-hoat-dong-chuyen-doi-so-185230914114928476.htm