Hộ chiếu điện tử là một bước cải tiến quan trọng, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Tạo thuận lợi cho công dân xuất nhập cảnh
Từ ngày 1/3, Bộ Công an đã triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hộ chiếu điện tử đã được sử dụng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hộ chiếu điện tử lần đầu được Malaysia ra mắt vào năm 1998. Đến năm 2003, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã thông qua kế hoạch toàn cầu hóa việc tích hợp sinh trắc học vào hộ chiếu.
Năm 2004, Bỉ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng hộ chiếu điện tử theo các tiêu chuẩn của ICAO. Đến nay, hộ chiếu điện tử đã được sử dụng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bởi tính ưu việt và khả năng bảo mật.
Hộ chiếu điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp.
Không chỉ lưu trữ những thông tin được viết trên giấy như họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, hộ chiếu điện tử còn có khả năng lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học như vân tay, mống mắt, khuôn mặt hay nhóm máu.
Càng lưu trữ được nhiều thông tin, việc nhận dạng một người càng trở nên chính xác. Từ đó, cán bộ làm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh sẽ có thể nhanh chóng xác nhận được thông tin của người dân khi làm thủ tục.
Bảo mật thông tin cao
Hộ chiếu gắn chip điện tử có thể lưu trữ được nhiều thông tin của người dân một cách chính xác và thống nhất về mặt định dạng giữa các quốc gia. Vì thế, người sử dụng sẽ được ưu tiên cho phép xuất nhập cảnh dễ dàng hơn.
Đơn cử, chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu điện tử.
Chưa dừng lại ở đó, hộ chiếu điện tử cũng được đánh giá là có tính bảo mật thông tin cao bởi các dữ liệu được lưu trữ trong con chip rất khó để sao chép. Điều này sẽ giúp người sử dụng được bảo vệ trước nguy cơ đánh cắp thông tin cá nhân, tránh tình trạng bị làm giả giấy tờ.
Hộ chiếu gắn chip điện tử có thể lưu trữ được nhiều thông tin của người dân một cách chính xác và thống nhất về mặt định dạng giữa các quốc gia (Ảnh: Hải Nam).
Theo Bộ Công an, hộ chiếu gắn chip điện tử là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các quốc gia, nhất là những nước có ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu điện tử tại cửa khẩu quốc tế.
Ngày 1/8, hệ thống máy quét hộ chiếu tự động (scan passport) lắp đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) bắt đầu hoạt động thử nghiệm.
Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Gần đây nhất, vào ngày 1/8, hệ thống máy quét hộ chiếu tự động (scan passport) lắp đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm.
Người dân đã có thể sử dụng hộ chiếu điện tử gắn chip để qua cửa nhập cảnh tự động. Hệ thống chỉ mất chưa tới 30 giây để xử lý thông tin của mỗi hành khách. Điều này giúp giảm tải rất nhiều thời gian xử lý quy trình kiểm tra an ninh xuất nhập cảnh.
Theo Thế Anh/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/loi-ich-vuot-troi-cua-ho-chieu-dien-tu-20230802170246636.htm