Sáng tạo nội dung số trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung, doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số. Tuy nhiên, các hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam
Chiều 24-4, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn quốc gia "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số".
Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn chiều 24-4
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Vũ Kiêm Văn nhấn mạnh sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số là những nhân tố chính, liên quan mật thiết với nhau trong công nghiệp nội dung số. Sự phổ biến của Internet, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả khi tiếp cận và thụ hưởng nội dung từ các hình thức truyền thống như truyền hình, radio, báo in,... đang dịch chuyển lên không gian số.
Do vậy, để bắt kịp xu hướng này, các nhà sản xuất nội dung buộc phải thay đổi tư duy nhằm tạo ra các sản phẩm nội dung số đa dạng ở nhiều lĩnh vực từ tin tức, giải trí, tới thể thao, giáo dục... cho phù hợp với thị hiếu khách hàng và phù hợp với không gian số, thiết bị số. Từ đó, sáng tạo nội dung số trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số.
Tuy nhiên, trong dòng chảy phát triển đó, các hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là việc bảo vệ bản quyền nội dung số và kinh doanh quảng cáo số.
Vì vậy, đòi hỏi phải có những phương thức mới trong vận hành và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất nội dung, doanh nghiệp quảng cáo cũng như người dùng cuối cùng để có điều chỉnh và hành và ứng xử phù hợp
Ông Tạ Mạnh Hoàng , Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam, cũng chia sẻ về những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do những quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ còn những chỗ chưa rõ ràng, cùng với đó là sự nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của người dân còn chưa cao.
"Chính những yếu tố này đã khiến chúng tôi lúng túng trong hoạt động sáng tạo nội dung số. Muốn phát triển bền vững thì chúng ta phải hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này" - ông Hoàng nói.
Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cũng nói thêm Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Nhật - Hàn - Mỹ.
Doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh yếu dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế. Ví dụ trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/cong-nghe/nhieu-rao-can-trong-quang-cao-so-truyen-thong-so-2023042419504787.htm