Nằm trong chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, các doanh nghiệp viễn thông đang có những thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ, nổi bật là công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và mạng 5G đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều hoạt động gần như “tê liệt” trong lúc cao điểm càng đòi hỏi các doanh nghiệp hay ngay cả những dịch vụ công như: giáo dục, y tế, hành chính… cũng buộc phải thay đổi cách thức vận hành để thích ứng.
Vài năm trở lại đây thị trường viễn thông đang có dấu hiệu “bão hòa” khi phải đứng trước nhiều biến động như sụt giảm doanh thu thoại/SMS truyền thống, sự thắt chặt quản lý chính sách ngành, thay đổi về xu hướng công nghệ. Trong khi dịch vụ thoại và tin nhắn giảm trung bình 10 - 15%/năm, sự gia tăng cho nguồn thu từ dịch vụ data và các dịch vụ OTT không đủ bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu thoại/SMS.
Cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông vượt qua “điểm bão hòa”
Chuyển đổi số hiện không còn là “lựa chọn” của doanh nghiệp nữa mà đã và đang là chiến lược Quốc gia khi định hướng đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.
Chuyển đổi số giúp nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 AFP
Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên 400 doanh nghiệp năm 2020, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến...
Nổi bật như điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất trong lĩnh vực quản trị nội bộ với 60,6% - tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Đứng thứ hai là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.
Trong đó, viễn thông được xem như “lĩnh ấn tiên phong” cho công cuộc chuyển đổi số khi là hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hằng ngày.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông được định hướng sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông với mạng cáp quang phủ đến 100% xã, phường; phủ sóng mạng di động (2G, 3G, 4G) tới 99,8% dân số, thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh, thành phố. Việt Nam hiện thuộc nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu.
AI cùng với mạng 5G sẽ tạo ra “viễn cảnh mới” cho ngành viễn thông
Sự cộng hưởng giữa công nghệ AI cùng với mạng 5G đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế xã hội nói chung, dự báo sẽ còn tạo ra những kết quả đáng mong đợi. Trước mắt, việc phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh sau đại dịch phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số.
5G được dự đoán sẽ giúp cho ngành viễn thông đẩy mạnh phát triển AFP
Đến hết tháng 6.2022, số thuê bao băng rộng di động của Việt Nam ước đạt 82%, tăng 9,3% so với tháng 1.2022, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng thuê bao băng rộng di động xếp hạng thứ 69/144 quốc gia, đạt 19%/năm. Số thuê bao băng rộng cố định ước đạt 20,5 triệu thuê bao, tăng 4,4% so với tháng 1.2022, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp hạng thứ 60/144 quốc gia.
Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã phủ sóng được 1.857/2.212 thôn lõm sóng, ưu tiên triển khai phủ sóng vùng lõm tại các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Công nghệ 5G có khả năng tạo ra một loạt sản phẩm mới cho các thành phố thông minh, phát triển kinh tế đất nước. Tiếp đó là việc đi kèm với các đối tượng kết nối trên thế giới cho phép loT (Mạng lưới thiết bị kết nối internet) phát triển đáng kể, chẳng hạn như ô tô tự hành, trường học thông minh...
Những điều này sẽ tạo ra cuộc cách mạng có khả năng thay đổi hoàn toàn cuộc sống hằng ngày của chúng ta nhờ vào nỗ lực chuyển đổi số tích cực của các doanh nghiệp viễn thông cũng như chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Theo Thành Luân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/chuyen-doi-so-la-co-hoi-vang-cho-doanh-nghiep-vien-thong-post1527652.html