eNetViet là một “siêu ứng dụng” hoạt động trên nền tảng di động (Android, iOS) và máy tính (PC) do Tập đoàn công nghệ Quảng Ích phát triển.
eNetViet nhằm hỗ trợ thiết thực cho công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục trên các lĩnh vực: quản lý điều hành, truyền thông giáo dục và kết nối Gia đình - Nhà trường.
eNetViet bám sát định hướng chuyển đổi số của Ngành để phục vụ
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT), chuyển đổi số trong GDĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GDĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã “pháp quy hóa” định hướng phát triển các ứng dụng, nền tảng số phục vụ quản trị các cơ sở giáo dục: “Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa nhà trường với gia đình, thanh toán không dùng tiền mặt, truyền thông và kết nối với các nền tảng ứng dụng trong và ngoài ngành giáo dục”.
Bám sát định hướng của ngành giáo dục, eNetViet được thiết kế để cho phép kết nối với cơ sở dữ liệu trường học theo đúng “Quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông”([1]). Nhờ đó, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường có thể sử dụng ngay các tính năng, tiện ích miễn phí của eNetViet trên cơ sở kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu nhà trường mà không phải xây dựng mới, tận dụng được nguồn dữ liệu sẵn có, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho cán bộ giáo viên khi không phải nhập dữ liệu nhiều lần.
Các tính năng “quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử; tích hợp trang tin điện tử của nhà trường” ([2]) đã được tích hợp và sử dụng miễn phí trên eNetViet. Cụ thể, ứng dụng này cho phép: (i) Gửi, nhận thông tin điều hành nội bộ một cách an toàn, đầy đủ, chính xác từ Sở GDĐT tới Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục. Cán bộ, giáo viên có thể trao đổi hai chiều với nhau và với phụ huynh về hoạt động, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; (ii) Điều hành tác nghiệp hàng ngày: xem báo cáo, thống kê giáo dục theo thời gian thực; điểm danh, duyệt đơn xin nghỉ học trực tuyến, chấm ăn... cho học sinh; khai báo nhân sự, học sinh nhiễm Covid, tiêm chủng vacxin... (đặc biệt hữu ích trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid – 19 trước đây, theo đó số liệu từ eNetViet được tổng hợp theo thời gian thực giúp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của ngành giáo dục các địa phương luôn nắm bắt đầy đủ thông tin, diễn biến dịch bệnh); (iii) Truyền thông các chủ trương, chế độ chính sách, hoạt động của ngành… một cách chính thống, nhanh chóng và trực quan nhất đến cán bộ giáo viên và phụ huynh thông qua việc tích hợp trực tuyến với cổng thông tin của Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường...
eNetViet “không phải là” và “không chỉ là” sổ liên lạc điện tử
Ngoài việc hỗ trợ quản lý điều hành, truyền thông giáo dục, eNetViet còn giúp số hóa và kết nối Gia đình – Nhà trường trên môi trường số theo một phương thức hoàn toàn mới, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Trên thế giới, việc số hóa sổ liên lạc trong giáo dục đã được thực hiện từ lâu với các ứng dụng khá phổ biến như CLASSDOJO, EDMODO… Chỉ tính riêng CLASSDOJO, ứng dụng này đã được sử dụng tại hơn 95% trường học tại Mỹ và giúp kết nối hơn 50 triệu giáo viên với các gia đình trên toàn cầu thông qua việc tương tác hai chiều, chia sẻ hình ảnh, video hoạt động… Tại Việt Nam, trước khi smartphone và các ứng dụng mạng xã hội như Viber, Facebook, Zalo... trở nên phổ biến, việc kết nối Gia đình – Nhà trường được thực hiện chủ yếu qua hình thức tin nhắn SMS không dấu, một chiều (đây được xem như là “sổ liên lạc điện tử thế hệ cũ”).
Hiện nay, cùng với các ứng dụng “Make in Vietnam” khác, eNetViet đã mang đến một phương thức kết nối hoàn toàn mới giữa Gia đình – Nhà trường dựa trên nền tảng OTT, tiếng Việt có dấu, tương tác hai chiều để gửi/nhận thông báo hàng ngày về hoạt động, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cũng như sử dụng các dịch vụ gia tăng khác... Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn nhiều cán bộ giáo viên, phụ huynh chưa sử dụng smartphone, hoặc có sử dụng nhưng chưa cài đặt ứng dụng hoặc không có kết nối internet (3G, 4G, wifi), vì vậy trong những trường hợp này eNetViet tự động nhận biết và cho phép chuyển đổi thông báo sang hình thức tin nhắn SMS để đảm bảo người dùng luôn nhận được các thông báo quan trọng một cách kịp thời trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh.
eNetViet là “siêu ứng dụng” chuyên biệt, dành riêng cho giáo dục
Bên cạnh các tính năng cơ bản giống với các ứng dụng mạng xã hội Viber, Messenger, Zalo,... như Chat, Chat nhóm, nhận/gửi thông báo đa phương tiện, bình luận, bày tỏ cảm xúc..., eNetViet còn được “đo ni đóng giày” riêng cho ngành giáo dục nhằm tạo ra một cộng đồng “định danh”, gắn kết giữa nhà quản lý, cán bộ giáo viên ngành giáo dục với phụ huynh và học sinh.
Yếu tố khác biệt căn bản, cốt lõi giữa eNetViet với các ứng dụng mạng xã hội là ở chỗ người dùng trong eNetViet được “định danh” rõ ràng. Chỉ có nhà quản lý, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh được “định danh” rõ ràng trong cơ sở dữ liệu của nhà trường, của ngành mới sử dụng được eNetViet và các thông tin trên eNetViet cũng chỉ được chia sẻ trong phạm vi ngành giáo dục. Một người dùng có thể có nhiều vai trò, vị trí khác nhau trong ngành giáo dục nhưng chỉ cần sử dụng một tài khoản duy nhất để đăng nhập và sử dụng tất cả các vai trò trên eNetViet. Người dùng cũng “không cần” và “không thể” tạo “Danh bạ” trên eNetViet mà danh bạ này được tự động đồng bộ với cơ sở dữ liệu của nhà trường, của ngành theo đúng vai trò, vị trí quản lý, phân công chủ nhiệm, phân công chuyên môn...
Không chỉ dừng lại ở đó, với tâm huyết và sứ mệnh đồng hành cùng ngành giáo dục trong 20 năm qua, eNetViet đã và đang phát triển thành một “siêu ứng dụng” (super app) tích hợp nhiều tính năng, tiện ích (miễn phí) với hệ sinh thái chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Chỉ với một ứng dụng eNetViet duy nhất, nhà quản lý, cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể: tích hợp các dich vụ thẻ thông minh (điểm danh, mượn/trả sách...); đăng ký và nhận kết quả tuyển sinh đầu cấp; giao/nhận/chấm bài tập, hoạt động giáo dục cho học sinh; quản lý mượn, trả sách thư viện truyền thống; chia sẻ/tham khảo kho học liệu số đã được nhà trường, ngành thẩm định; tham khảo nguồn học liệu mở đẳng cấp quốc tế ([3]); tổ chức/tham gia thi khảo sát chất lượng trên quy mô lớn; khảo sát chuyên ngành giáo dục ở phạm vi Lớp, Trường, Phòng, Sở; thanh toán không dùng tiền mặt với học phí và các dịch vụ nhà trường; kết nối với Trung tâm điều hành giáo dục thông minh…
Theo PV/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/enetviet-sieu-ung-dung-chuyen-biet-ho-tro-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post614412.html