Thủ tướng cho rằng, từ khóa “liên kết” đã trở thành chìa khóa quan trọng giúp Đồng Tháp thành công và đây là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh ĐBSCL.
Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Đồng Tháp 2017 sáng 19/12, tại Thành phố Cao Lãnh, trước sự chứng kiến của 500 đại biểu tham dự, Thủ tướng đánh giá, Đồng Tháp là một “ngôi sao sáng” về môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, từ khóa “liên kết” đã trở thành chìa khóa quan trọng giúp Đồng Tháp thành công.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khai trương hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh Đồng Tháp. Địa chỉ là egov.dongthap.gov.vn. Trước sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Đồng Tháp trao quyết định chủ trương đầu tư cho 21 dự án, ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư 16 dự án, với tổng vốn gần 24 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đồng Tháp là tỉnh đang thực hiện khá hiệu quả mô hình cà phê doanh nhân. Theo đó, sáng sớm hàng ngày, lãnh đạo tỉnh ngồi cà phê với doanh nghiệp, lắng nghe kiến nghị, đề xuất doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Tại nhiều hội nghị, hội thảo và sự kiện xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lưu ý các lãnh đạo các tỉnh học tập mô hình của Đồng Tháp để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các định chế tài chính lớn tại Việt Nam, gồm cả Ngân hàng Thế giới (WB) đã đến tìm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Đồng Tháp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ và Đồng Tháp trân trọng và lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư.
Thông tin đến các nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, nhiều năm qua, Đồng Tháp là “ngôi sao sáng” về môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp đã được thể hiện ở các cấp chính quyền. Tỉnh có nhiều hình thức xúc tiến đầu tư, lắng nghe để giải quyết các vướng mắc theo tinh thần nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng “thắng”.
“Từ tinh thần đó, tỉnh có nhiều hình thức xúc tiến, gặp gỡ trao đổi, giải quyết những vấn đề đặt ra của phát triển doanh nghiệp và tổ chức sản xuất trong người dân của địa phương. Ví dụ như cà phê doanh nhân, một cửa liên thông hiện dại, hội quán trồng xoài ở một số địa phương,… hình thức hết sức phong phú. Tôi rất chú ý các vị nói là lắng nghe những ý kiến thật của nhà đầu tư, của người dân đến chính quyền, đây là điều rất quan trọng chứ không phải gặp gỡ là hình thức” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Ở Đồng Tháp, Thủ tướng cho rằng có thể thấy một tầm nhìn của sự phát triển vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tầm nhìn đó được cam kết qua nhiều thế hệ thay vì một nhiệm kỳ. Tỉnh cũng đã tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả tốt, từ đó quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ lúa mà hình thành các vùng cây, con đặc sản, có lợi thế so sánh ở địa phương.
Từ những kết quả tích cực đó, Thủ tướng cho rằng, từ khóa “liên kết” đã trở thành chìa khóa quan trọng giúp Đồng Tháp thành công. Và đây là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong đó, từ khóa “liên kết” thể hiện rõ trong việc liên kết giữa sản xuất và thị trường với trọng điểm là sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó, Đồng Tháp đã có sản lượng lớn như lúa xếp thứ 3 cả nước, nhiều loại trái cây, rau quả nổi tiếng; một số sản phẩm có thương hiệu. Đặc biệt Đồng Tháp đã hình thành liên kết giữa vùng nguyên liệu ứng dụng khoa học và người nông dân qua mô hình hội quán nông dân, trong đó người nông dân ở vị trí trung tâm.
“Liên kết” còn thể hiện ở chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc Đồng Tháp kiên trì từ nhận thức đến hàng động trong bộ máy công quyền; từ ứng xử theo kiểu “xin-cho” thành “đồng hành” cùng doanh nghiệp. Chính những điều đó giúp nhiều năm liền, Đồng Tháp luôn đứng nhóm 3 tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranhcấp tỉnh.
“Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng cùng Long An, Tiền Giang xây dựng triển khai đề án liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Chúng ta nói cùng nhận thức, cùng phát triển nhưng không phải là dễ, nhưng Đồng Tháp đã làm được điều này tốt. Đó là mô hình tốt để chúng ta nhân rộng ra, trước hết là đồng bằng sông Cửu Long, một vùng sinh thái có tính chất liên kết tốt” – Thủ tướng cho biết.
“Liên kết” còn thể hiện ở việc khởi xướng liên kết qua dịch vụ logistic và hạ tầng giao thông. Cùng các liên kết khác, Thủ tướng cho rằng, tinh thần cùng thắng, tinh thần Đồng Tháp “muốn đi xa hãy cùng đi” đang được thực hiện nghiêm túc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một số gian hàng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, Đồng Tháp không thể chủ quan, thỏa mãn với những gì đạt được, bởi tài nguyên và lợi thế cũng như sự khác biệt về môi trường kinh doanh của Đồng Tháp so với các địa phương khác trong vùng là không nhiều. Đồng Tháp cần nỗ lực hơn nữa trong việc lấp đầy các khoảng trống khác trong thu hút đầu tư và cải thiện kết quả tăng trưởng kinh tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu quan điểm phát triển đối với Đồng Tháp cũng như toàn vùng ĐBSCL.
Trước hết là nông nghiệp phải theo hướng xanh, sạch, minh bạch, là đòn bẩy chính cho phát triển. Cần chú ý đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, và triển khai mạnh công nghệ chế biến, các sản phẩm nông nghiệp thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn đầu tư và những “con sếu” đầu đàn hãy vào Đồng Tháp. Thủ tướng đã nhìn thấy một số doanh nghiệp của Việt Nam và nước ngoài ở đây, Vingroup, FLC, một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tổng mức đầu tư so với diện tích, so với điều kiện của Đồng Tháp vẫn còn thấp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Đồng Tháp tiếp tục đặt người nông dân ở vai trò trung tâm của tái cơ cấu nông nghiệp. Người nông dân phải có tiếng nói, có vị trí, có lợi ích ổn định, lâu dài trong quá trình tái cơ cấu, xác lập mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp và nhà nước. Đồng thời đề nghị Đồng Tháp tiếp tục liên kết có hiệu quả hơn nữa, rõ ràng hơn nữa từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đang tạo cho Đồng Tháp một không gian phát triển rộng hơn. Trong đó chú trọng đến liên kết với các thị trường lớn hơn là Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển các lĩnh vực.
Cho rằng thương hiệu của Đồng Tháp từ tự nhiên, con người, lịch sử đang tạo ra sức hấp dẫn, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần nhân lên bằng sức mạnh tri thức và công nghệ 4.0. Thủ tướng gợi ý, sen của Đồng Tháp không chỉ là món ăn mà còn là một trải nghiệm với chiều dài về cảm xúc, văn hóa và những đặc trưng khác biệt. Hay hội quán nông dân của Đồng Tháp không phải chỉ là một mô hình liên kết nông dân mà cần phát triển thành chuỗi giao dịch hiện đại, nơi các công nghệ về thương mại điện tử, tương tác trực tuyến, giúp các ý tưởng, thương vụ thăng hoa. Đồng Tháp là nơi thích ứng để nói về ứng dụng các xu hướng công nghệ này.
Tại hội nghị, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp hãy coi Đồng Tháp là quê hương thứ hai của mình, đầu tư mạnh mẽ, liên tục, hiệu quả, chứ không phải là “đầu tư trên giấy”. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Chính phủ luôn coi thành công của nhà đầu tư, của Đồng Tháp là thành công của Chính phủ, của Việt Nam; đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư./.
Theo Vũ Dũng/VOV