11
/
169696
Chú trọng đầu tư cho giáo dục
chu-trong-dau-tu-cho-giao-duc
news

Chú trọng đầu tư cho giáo dục

Thứ 3, 17/09/2024 | 06:45:00
2,161 lượt xem

Những năm gần đây, giáo dục Bắc Giang liên tiếp ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế khi giành được nhiều giải thưởng danh giá tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Riêng năm học 2023-2024, học sinh Bắc Giang xuất sắc đoạt 6 trong 26 huy chương các loại, trong đó có 4 trong 9 Huy chương vàng Olympic quốc tế và khu vực. Bắc Giang đã trở thành hiện tượng của ngành giáo dục cả nước, lập nên kỳ tích chưa từng có.

Trịnh Duy Hiếu cùng thầy Nguyễn Văn Đóa và hai em Thân Thế Công, Trương Phi Hùng chụp ảnh lưu niệm tại sân bay. 

Vùng đất khoa bảng Bắc Giang, nơi có ba con sông (Thương, Cầu, Lục Nam) bao bọc, hội tụ, quê hương của Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", đã gieo trồng nên những hiền tài, mang những vòng nguyệt quế vinh quang về cho đất nước.

Trường "làng" đoạt thành tích vàng

Trong vòng hai năm, ba "chàng trai vàng" là Giáp Vũ Sơn Hà, Thân Thế Công, Trương Phi Hùng đã góp vào bảng tổng sắp huy chương của Việt Nam trên đấu trường trí tuệ thế giới với tám tấm huy chương gồm bốn Huy chương vàng, hai Huy chương bạc và hai Huy chương đồng.

Trên "bản đồ" các trường đào tạo học sinh giỏi quốc tế, có thể xếp những trường trung học phổ thông chuyên ở tỉnh miền núi như Bắc Giang là trường "làng" vì rất khó so thành tích với các trường có truyền thống như Chuyên Khoa học Tự nhiên, Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chuyên Amsterdam Hà Nội, hay các tỉnh có bề dày truyền thống…

Tuy nhiên, giờ đây, thì Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang đã trở thành hiện tượng của giáo dục cả nước, vươn lên dẫn đầu danh sách trường đạt nhiều huy chương quốc tế và khu vực nhất toàn quốc (cả số lượng và chất lượng). Nếu tính riêng Huy chương vàng, Bắc Giang đoạt 4 trong 9 tấm huy chương của Việt Nam.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Đóa, người đồng hành với Công và Hùng suốt ba năm ở Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang và các kỳ thi quốc tế, khu vực đánh giá: "Công và Hùng, ngoài tố chất thông minh, còn rất cần cù, chịu khó và có khả năng chịu cường độ học tập cao, ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh".

Chẳng có vinh quang nào trải sẵn hoa hồng. Đó là sự khổ luyện, đam mê; bên cạnh sự chăm lo của gia đình; sự dìu dắt của những người thầy nhiệt huyết và một môi trường sư phạm trong lành để các em tỏa sáng. "Khi kết quả kỳ thi được công bố, khi tên nước Việt Nam được xướng lên, khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay ở vị trí trang trọng nhất, trước thầy cô và bạn bè quốc tế, chúng em thật sự rất xúc động và tự hào" - Thân Thế Công tâm sự.

Thầy giáo Trần Duy Phương, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang cho biết, học sinh nhà trường đoạt 15 huy chương Olympic các loại, trong đó có tám huy chương quốc tế và bảy khu vực. Riêng năm 2024, với thành tích năm huy chương (bốn vàng, một đồng) thì trường đã phá kỷ lục của chính mình và lập nên một kỳ tích chưa từng có, ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế.

Trong bộ sưu tập huy chương quốc tế mà Trương Phi Hùng, Thân Thế Công mang về không thể không nhắc tới sự góp sức của một cựu học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang, đó là em Trịnh Duy Hiếu. Hiếu từng đoạt một Huy chương vàng, một Huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á, hai Huy chương bạc Olympic quốc tế năm 2018 và 2019.

Trong các báo cáo của Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang, từ khi Công, Hùng đoạt giải Olympic châu Á tới quốc tế, tất cả đều nhắc tới Trịnh Duy Hiếu. Hiếu đang là du học sinh năm thứ tư, chuyên ngành bán dẫn Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS). Với kinh nghiệm tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực, Hiếu đã truyền lửa cho lớp đàn em, trong đó có Công, Hùng niềm đam mê, cảm hứng bất tận với môn Vật lý.

Bất cứ lúc nào, có thời gian rảnh là Hiếu bay từ Singapore về dạy hai em; còn trong tuần, mấy thầy trò, anh em hẹn nhau học trực tuyến. Công, Hùng dự thi ở đâu, dù bận đến mấy, Hiếu cũng cố gắng có mặt, để tiếp sức, truyền lửa cho các em; vô tư, nhiệt tình và trân quý như anh em ruột thịt.

"Đó là trách nhiệm, lớp đi trước dẫn bước lớp đi sau. Trước đây các thầy đã dành nhiều tâm huyết dìu dắt, nâng bước cho chúng em, nay chúng em trở lại, lan tỏa và trao cho các em, để mạch ngầm kiến thức ấy được chảy mãi, không chỉ tới các em Công, Hùng và Hà mà còn tiếp, tiếp nữa", Trịnh Duy Hiếu tâm sự.

Phát hiện nguồn từ sớm

Cách mà Bắc Giang làm giáo dục giống như trồng cây, đều bắt nguồn từ gốc. Bắc Giang đã chủ động tìm kiếm, gieo trồng và bồi dưỡng học sinh giỏi từ sớm; tỉ mỉ, chu đáo như chăm cây để những "cái cây" đó phát triển bền vững, mang về những mùa vàng bội thu, đơm hoa kết trái.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Chúng tôi yêu cầu các trường trung học cơ sở trọng điểm của tỉnh và cả các trường phổ thông có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng những em có tố chất, năng khiếu đặc biệt, không để sót học sinh ưu tú. Bằng cách này, chúng tôi chọn được những em có năng khiếu ở đúng môn các em thích cho nên hầu hết phát huy được sở trường ở các lớp trên. Cách làm này đã trao cơ hội cho tất cả các học sinh.

Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, song hành chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn theo hướng thực chất, hiệu quả; trong đó có sự thay đổi quyết liệt về chiến lược bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đề án "Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành ngày 27/9/2022, xác định một tiêu chí cụ thể đối với giáo viên, đó là: Hằng năm, mỗi nhóm bộ môn chuyên xây dựng ít nhất hai chuyên đề để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán cho các trường trung học cơ sở trọng điểm chất lượng cao. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục đã rất thận trọng, triển khai từ nhiều năm trước, đạt được hiệu quả và chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục mũi nhọn, tạo một dòng chảy kiến thức xuyên suốt các trường và trong toàn ngành.

Bắc Giang đề ra những quyết sách đột phá, mang tầm chiến lược để gỡ "nút thắt", khó khăn cho giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn. Một trong những quyết sách đó là Nghị quyết số 39 ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang; giáo viên, chuyên gia tập huấn và học sinh tham gia đội tuyển thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế.

Nghị quyết "mở đường" để các trường có thể tăng số buổi mời chuyên gia về thỉnh giảng cho các đội tuyển, cả kỳ thi quốc gia, quốc tế và khu vực. Việc này không những đã giúp nâng tầm cho các em học sinh trong đội tuyển mà còn trực tiếp giải quyết được bài toán "Muốn có trò giỏi thì cần có thầy giỏi".

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh: "Thời gian qua, Bắc Giang luôn chú trọng đầu tư phát triển giáo dục toàn diện; đề ra nhiều giải pháp, chính sách ưu tiên cho giáo dục mũi nhọn. Thành tích đạt được khẳng định những chủ trương, chính sách, sự đầu tư của tỉnh là đúng hướng và phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của giáo dục nước nhà và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Hương Thu Giang/ Nhân dân

https://nhandan.vn/chu-trong-dau-tu-cho-giao-duc-post831152.html

  • Từ khóa

Đại học Bách khoa Hà Nội lên tiếng về bữa ăn GD QP-AN không đảm bảo

ĐH Bách khoa Hà Nội gửi lời xin lỗi và mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các bậc phụ huynh, các em sinh viên.
10:30 - 08/10/2024
81 lượt xem

Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ngày 7/10 ký ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức...
09:02 - 08/10/2024
106 lượt xem

Nâng chuẩn giáo viên: Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Sau 4 năm thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn.
07:20 - 08/10/2024
159 lượt xem

Nhiều vướng mắc trong công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài

Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài hiện đang gặp nhiều khó khăn....
15:36 - 07/10/2024
549 lượt xem

Quy định về quản lý, cấp và hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD&ĐT

Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về việc in, quản lý, cấp và hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD&ĐT.
14:45 - 07/10/2024
568 lượt xem