4
/
169843
Nhiều cơ hội, thách thức xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc
nhieu-co-hoi-thach-thuc-xuat-khau-sau-rieng-vao-thi-truong-trung-quoc
news

Nhiều cơ hội, thách thức xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc

Thứ 5, 19/09/2024 | 19:59:47
1,912 lượt xem

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Sau khi Nghị định thư được ký có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp, người dân và địa phương trong việc triển khai tổ chức sản xuất cũng như xuất khẩu.

Cơ hội cho xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc

Ngày 19/8 vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Sau khi Nghị định thư được ký có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp, người dân và địa phương trong việc triển khai tổ chức sản xuất cũng như xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nghị định được ký kết có ý nghĩa rất lớn đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam, hứa hẹn đột phá kim ngạch xuất khẩu trái cây này trong thời gian tới. Với nghị định thư vừa được ký kết, với năng lực hiện tại và nhu cầu thị trường Trung Quốc dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngay trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài. Sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, sầu riêng cấp đông Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải được nhận diện và chuẩn bị ứng phó. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Lệnh 248, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện quy định đăng ký mới. Quy định này yêu cầu các cơ sở phải đăng ký và được cấp phép trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Theo lệnh 248 quy định việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được GACC đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Một số tiêu chí gồm tiêu chuẩn và biện pháp quản lý nguyên liệu thô, truy xuất nguồn gốc, thiết lập và vận hành hệ thống HACCP, làm sạch và tiệt trùng, kiểm soát hóa chất/chất thải…

Đối với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả. Kho chứa lạnh cần đáp ứng tiêu chuẩn, cũng như chất lượng nước, nước đã, hơi nước dùng trong quá trình sản xuất phải bảo đảm.

Sau khi nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.

Nhiều khó khăn thách thức

Các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Chia sẻ về những khó khăn thách thức hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.

Theo ông Hiếu, nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. “Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực cấp đông sầu riêng từ năm 2022, với sản lượng dự kiến năm nay đạt 4.000-5.000 tấn.

Theo Điều II của Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, phía Việt Nam phải bảo đảm rằng các công đoạn như tách vỏ, tách múi và chế biến khác của sầu riêng đông lạnh được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, nhân viên này phải làm việc trong khu vực sản xuất trong suốt quá trình chế biến và đóng gói.

Đối với doanh nghiệp, việc hiểu rõ các tiêu chí về "nhân viên được chỉ định" là rất quan trọng để đảm bảo tuyển chọn đúng người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng cho biết, trong tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu, có yêu cầu về việc thiết lập và vận hành hệ thống HACCP. Theo đó, nhân viên cần được đào tạo và cấp chứng nhận HACCP. Khi đạt được các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ có đội ngũ nhân lực đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quy định cho các địa phương, hiệp hội, vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Phúc Huy/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/nhieu-co-hoi-thach-thuc-xuat-khau-sau-rieng-vao-thi-truong-trung-quoc-post831913.html

  • Từ khóa

Vietnam Airlines khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm dịp Tết Nguyên đán 2025

Vietnam Airlines công bố dự kiến khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm, cung ứng gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 13-1...
10:45 - 15/01/2025
25 lượt xem

Biểu giá điện mới: Giảm bậc nhưng giá tăng

Đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bộ Công thương giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc, nhưng lại khiến nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện...
08:49 - 15/01/2025
70 lượt xem

Lương thưởng tết 'xót ruột' vì bị trừ thuế

Nhiều công nhân, người lao động đã rộn ràng nhận được lương tháng 13 và thưởng Tết Ất Tỵ 2025 nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi bị khấu trừ thuế thu nhập...
08:42 - 15/01/2025
170 lượt xem

Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc vượt Nhật Bản

Theo Hãng tin Bloomberg ngày 13-1, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt Nhật Bản trở thành điểm xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc.
16:22 - 14/01/2025
465 lượt xem

Vì sao quét mã QR bị lừa đảo mất tiền?

Một số thông tin cảnh báo tình trạng bị lừa đảo mất tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi quét mã QR.
14:21 - 14/01/2025
905 lượt xem