Phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, miễn dịch tự thân... là những phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay.
Ung thư đang có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm có nhiều bệnh nhân. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 300.000 người bệnh ung thư, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Thân Văn Thịnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết điều trị ung thư là điều trị đa mô thức. Tùy loại ung thư, thể bệnh và giai đoạn bệnh, có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
Các phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất với đa số bệnh ung thư.
Có hai loại là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng (palliative) và phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật triệt căn được lựa chọn ở giai đoạn sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch. Phẫu thuật giảm nhẹ là phương án khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn mà mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng.
Phẫu thuật có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa trị, nội tiết, miễn dịch...
Phẫu thuật có thể xảy ra biến chứng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân hoặc làm mất chức năng sinh lý một số bộ phận cơ thể. Do đó bác sĩ cân nhắc mức độ rộng của phẫu thuật để tránh tổn thương những cơ quan quan trọng. Những tổn thương ác tính đã vượt qua giai đoạn khu trú thì vai trò của phẫu thuật không còn phù hợp.
Điều trị tia xạ
Đây là phương pháp điều trị thứ hai thường được lựa chọn sau phẫu thuật, sử dụng tia bức xạ ion hóa để điều trị ung thư.
Bệnh nhân đang được xạ trị trên hệ thống máy hiện đại. Ảnh: A.N
Có hai dạng điều trị tia xạ là tia xạ ngoài và tia xạ áp sát.
Tia xạ ngoài là nguồn phóng xạ nằm ngoài cơ thể gồm các máy điều trị tia xạ như cobalt, gia tốc... Bác sĩ phải thực hiện mô phỏng bệnh nhân trước khi xạ trị. Sau đó, bác sĩ dùng máy X-quang đặc biệt có tính năng xạ trị với nguồn phóng xạ bằng đầu đèn phát tia X giúp xác định khu vực được chiếu xạ (trường chiếu) trên người bệnh nhân. Việc điều trị tia xạ chính xác sẽ tăng hiệu quả chữa bệnh, góp phần chữa khỏi hơn 50% số ca ung thư mới được chẩn đoán.
Tia xạ áp sát là nguồn phóng xạ được đặt trong cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, xạ trị áp sát ít sử dụng đơn thuần ngoại trừ một số ung thư ở giai đoạn rất sớm, thông thường phối hợp với tia xạ ngoài và các phương pháp điều trị khác.
Điều trị hóa chất
Khi ung thư di căn, các phương pháp điều trị tại chỗ và tại vùng như phẫu thuật và xạ trị thường không mang lại hiệu quả. Khi đó, sử dụng các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là hóa chất, có thể ngăn chặn được tiến triển của bệnh.
Hóa chất chống ung thư đều là những chất gây độc tế bào. Do đó, chỉ định điều trị hóa trị còn dựa vào nhiều yếu tố như giai đoại bệnh, loại bệnh học, tuổi của bệnh nhân, các phương pháp đã được điều trị trước đó, thể trạng bệnh nhân để xác định chỉ định cụ thể của hóa trị.
"Phải luôn luôn cân nhắc một bên là lợi ích của hóa trị, một bên là độc tính và những nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Thịnh nói.
Các phương pháp khác
Kỹ thuật viên ứng dựng tế bào gốc tái tạo hệ thống tạo máu cho bệnh nhân. Ảnh: T. Hằng
Điều trị nội tiết có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong điều trị đa mô thức như ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, ung thư nội mạc tử cung, ung thư giáp...
Điều trị ung thư hướng đích là sử dụng các loại thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung và phát triển khối u. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả hơn các phương pháp điều trị hiện nay và ít gây độc tế bào hơn.
Điều trị miễn dịch có hai dạng là miễn dịch thụ động không đặc hiệu và miễn dịch chủ động không đặc hiệu. Khi kết hợp với các biện pháp điều trị truyền thống, miễn dịch tự thân sẽ tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, giúp người bệnh đáp ứng với điều trị tốt hơn. Phương pháp này được chỉ định với nhiều loại ung thư phổ biến hiện nay như ung thư hắc tố, phổi, dạ dày, gan, mật, tụy, thực quản, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng vú, u não và u đặc vùng đầu cổ...
Theo Thùy An/VnExpress