BGTV- Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện nay của các chị em phụ nữ rất lớn, các phòng khám phụ khoa tư nhân (PKPKTN) đã đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân, giúp giảm áp lực cho cơ sở y tế Nhà nước. Tuy nhiên, sự yếu kém về cơ sở vật chất cùng chất lượng các phòng khám này, đặc biệt tại khu vực miền núi, xa trung tâm đã đặt ra câu hỏi: Có hay không việc một số phòng khám dùng “chiêu trò” để “móc túi” bệnh nhân?
Điều kiện khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
“Chặt chém” giá khám chữa bệnh
Nghi ngờ mình bị viêm nhiễm, nấm ngứa đơn thuần, chị Lê Thị P. (35 tuổi, thôn Trại Na, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) đến khám tại PKPKTN tại khu vực trung tâm huyện, tuy nhiên sau khi khám, vị bác sỹ này đã kê thuốc đặt riêng và còn yêu cầu chị P tiến hành đủ thứ xét nghiệm, nhiều loại còn cần gửi ra “trung ương” để thực hiện với mức giá “trên trời”. Tuy nhiên sau 5 ngày chờ đợi kết quả, thấy tình trạng của mình đã thuyên giảm nhưng vẫn không thấy bác sỹ gửi lại kết quả xét nghiệm, chị P bức xúc: “Bác sỹ yêu cầu tôi xét nghiệm virus HPV xem có nguy cơ ung thư tử cung hay không, ngoài ra còn các xét nghiệm nấm ngứa các loại, tổng số chi phí là 800.000 đồng và hẹn 3 ngày sau sẽ trả kết quả, nhưng chờ đến ngày thứ 5 vẫn không thấy hẹn, tôi đến tận nơi thì chỉ được nhận câu trả lời của bác sỹ là gửi ra trung ương nên chờ lâu, sau đó thì nhắn tin điện thoại là không làm sao hết”.
Nhu cầu lớn, các cơ sở, PKPKTN hiện nay xuất hiện nhan nhản, vì yếu tố lợi nhuận, chi phí thuê mặt bằng, nhân viên… nên một số phòng khám “tranh thủ” cho bệnh nhân khám cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm…) với lý do “để hỗ trợ cho công tác chẩn đoán”, tuy nhiên nhiều trường hợp, có những nội dung không thật sự cần thiết phải thực hiện. Bên cạnh đó, các phòng khám tư này vừa khám bệnh, kê toa, vừa bán thuốc, trái quy định Nhà nước.
Điều kiện phòng khám không đảm bảo
Bên cạnh giá cả khám chữa không rõ ràng, mỗi nơi một giá, điều kiện vật chất, vệ sinh khử trùng tại các cơ sở PKPKTN cũng đáng lo ngại. Tại một số cơ sở, phòng khám, phòng thủ thuật ẩm thấp, nhỏ hẹp, các dụng cụ sản khoa chỉ được ngâm trong hóa chất khử trùng qua loa rồi sấy khô trong lò nướng chứ không thực hiện việc hấp tiệt trùng theo quy định của Bộ Y tế, không đảm bảo vô trùng phòng bệnh, chất thải sau thủ thuật tại các PKPKTN khó có thể khẳng định là 100% được xử lý triệt để.
Chị em phụ nữ nên tới các cơ sở khám chữa phụ khoa có cấp phép, uy tín
Theo quy định của ngành y tế, đối với các cơ sở, PKPKTN phải được giữ gìn sạch sẽ, không có rác thải và không có mùi thuốc khử khuẩn đặc trưng của cơ sở y tế. Toàn bộ dụng cụ khám chữa bệnh được gói riêng sử dụng cho từng khách hàng. Trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ khám chữa, thực hiện quy tắc “không đụng chạm” giúp người bệnh tránh được tối đa khả năng lây nhiễm chéo từ dụng cụ, đồ vật hoặc từ người bệnh khác hoặc từ ngay chính nhân viên y tế. Ngoài ra, các trang thiết bị trong phòng khám cũng được vệ sinh hàng ngày, không hề có bụi bám, mặt bàn khám được khử khuẩn sau mỗi khách hàng. Tuy nhiên tại các PKPKTN hiện nay, khâu quản lý còn lỏng lẻo đã dẫn tới chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh chưa cao, nhiều cơ sở tư nhân “chui” vẫn hoạt động, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa... sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người khám chữa bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, khi đến khám chữa bệnh tại các Phòng khám, người bệnh có quyền yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp; được cung cấp thông tin về giá dịch vụ và giải thích chi tiết các khoản thanh toán dịch vụ, nếu các yêu cầu của người bệnh không được đáp ứng, người bệnh có quyền khiếu nại hoặc phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Trong công tác quản lý, các ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tới các cơ sở khám chữa, PKPKTN... nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý, không để tình trạng phòng khám “chui” gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Minh Anh